Omicron lan rộng trên toàn cầu
Ngay sau khi ca đầu tiên được phát hiện và công bố tại Nam Phi, biến thể siêu đột biến Omicron đã lan nhanh ra thế giới, bất chấp việc nhiều nước nhanh chóng đóng cửa biên giới với du khách đến từ các nước miền nam châu Phi. Tính đến ngày 4/12, biến thể Omicron đã xuất hiện tại 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung ở hầu khắp khu vực trên thế giới như châu Phi (Nam Phi, Botswana, Ghana…), châu Âu (16 nước, trong đó có Anh, Pháp Đức, Đan Mạch, Italy…), châu Mỹ (Mỹ, Brazil, Canada), Trung Đông (Israel, Các Tiểu vương Quốc Arab Thống nhất, Saudi Arabia) và châu Á-Thái Bình Dương (Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka).
Tại tâm dịch Nam Phi, Omicron hiện là biến thể lây nhiêm áp đảo. Số ca nhiễm mới tại Nam Phi tăng mạnh trong thời gian gần đây, từ mức 200 ca/ngày lên trên 11.500 ca/ngày trong ngày 3/12. Dịch bệnh bùng phát mạnh ở 7 trên tổng số 9 tỉnh tại Nam Phi. 88% số ca mắc COVID-19 hiện nay ở Nam Phi được xác định là do biến thể Omicrom gây ra và nước này đã rơi vào làn sóng lây nhiễm thứ 4. Ngoài Nam Phi, Anh nổi lên là điểm nóng đáng quan ngại, khi ghi nhận hơn 150 ca nhiễm Omicron tính đến ngày 4/12.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 3/12 cho biết thế giới vẫn chưa ghi nhận ca tử vong nào do nhiễm Omicron và đây có thể được coi là thông tin tích cực. Đại diện WHO nhận định có thể mất nhiều tuần để các nhà khoa học xác định chính xác mức độ lây nhiễm của Omicron cũng như việc liệu biến thể này có làm tỉ lệ ca bệnh nặng và tử vong gia tăng hay không, đi cùng đó là khả năng kháng vaccine của Omicron.
Nghiên cứu sơ bộ của các nhà khoa học Nam Phi cho thấy tại tâm dịch ở tỉnh Gauteng, Omicron có tốc độ nhanh hơn biến thể Delta và các chủng đã được phát hiện trước đó, nhưng tỉ lệ ca bệnh nặng nhập viện không tăng. Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla cho biết hệ thống y tế và bệnh viện hiện vẫn hoạt động bình thường, chưa xuất hiện khủng hoảng quá tải.
Sự xuất hiện và lây lan của biến thể Omicron tạo ra thách thức lớn đối với nỗ lực kiềm chế, chấm dứt đại dịch và thúc đẩy kinh tế thế giới phục hồi, tăng trưởng. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 3/12 cảnh báo biến thể Omicron có thể làm chậm lại phục hồi kinh tế toàn cầu, tương tự như cách mà chủng Delta đã gây ra.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 5,9% trong năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, nhưng có điều chỉnh giảm với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác sau khi biến thể Delta lan rộng. Theo người đứng đầu IMF, ngay cả trước khi xuất hiện biến thể mới Omicron, tổ chức này đã lo ngại rằng quá trình phục hồi, dù vẫn tiếp tục, nhưng sẽ chậm lại, vì mất đi một phần động lực.
Vaccine hiện vẫn được xem là công cụ hiệu quả nhất giúp thế giới ngăn chặn bùng phát tiềm tàng do Omicron gây ra. Các hãng dược lớn trên thế giới như Moderna, Pfizer/BioNTech, AstraZeneca đều cho công bố các kế hoạch nghiên cứu vaccine cải tiến. Ông Ugur Sahin - Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập BioNTech ngày 3/12 nhận định đến một thời điểm nào đó sẽ cần đến vaccine hiệu chỉnh để chống lại biến thể mới. Pfizer/BioNTech có thể bào chế vaccine mới trong vòng 6 tuần và các lô vaccine đầu tiên sẽ được giao trong 100 ngày.
OPEC+ thống nhất tăng sản lượng dầu khai thác
Sau phiên họp ngày 2/12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi tắt là OPEC+) đã đạt được thỏa thuận về tăng sản lượng dầu hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày. Động thái này diễn ra giữa bối cảnh giá dầu biến động mạnh, Mỹ giải phóng kho dự trữ dầu và dầu thô trải qua tuần giao dịch thứ sáu liên tiếp mất giá. Nga và Saudi Arabia chiếm hơn 50% mức tăng này, mỗi nước được phép tăng sản lượng 109.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 1/2022.
Quyết định tăng sản lượng của OPEC+ trong ngày 2/12 khiến giá dầu giảm tức thời, nhưng sau đó đã duy trì đà tăng trở lại trên thị trường giao dịch, với giá dầu Brent Biển Bắc chốt phiên ở ngưỡng 69,67 USD/thùng sau khi có lúc rơi xuống mức thấp 65,72 USD/thùng trong cùng phiên. Còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 93 xu Mỹ (1,4%) lên 66,50 USD/thùng, sau khi có lúc giảm xuống 62,43 USD/thùng trong phiên này.
Quyết định của Saudi Arabia và các nước OPEC+ về tăng sản lượng dầu khai khiến dư luận bất ngờ. Giới đầu tư trước đó kỳ vọng OPEC+ sẽ tạm dừng kế hoạch tăng sản lượng để hỗ trợ giá dầu vốn sụt giảm 20% hơn một tuần trước đó. Đây có thể xem là một chiến thắng đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, người trước đó liên tục gây sức ép, đòi OPEC+ về tăng nhanh sản lượng cung ứng ra thị trường để giúp hạ nhiệt giá năng lượng leo thang ở Mỹ.
Mỹ ngay lập tức đã hoan nghênh quyết định của OPEC+. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ trong những tuần gần đây với các đối tác của chúng tôi - Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các nhà sản xuất OPEC + khác, nhằm giúp giải quyết áp lực về giá dầu mỏ. Chúng tôi hoan nghênh quyết định tiếp tục tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày".
Trên thực tế, Mỹ đã có bước tiếp cận với Saudi Arabia – nước giữ vai trò đầu tàu trong OPEC+. Trước phiên họp của OPEC+, phái đoàn Mỹ gồm Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Daleep Singh, Thứ trưởng Bộ Thương mại Don Grave và Cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ về an ninh năng lượng toàn cầu Amos Hochstein đã có chuyến thăm và làm việc tại Riyadh. Không bên nào đưa ra thông tin về xuống thang, đánh đổi lợi ích của đối phương, nhưng nguồn thạo tin cho biết đó là phiên thảo luận có tính then chốt, vượt khỏi giới hạn về chính sách dầu mỏ.
Về phần mình, giới chức Saudi Arabia tuyên bố đây không phải là quyết định mang màu sắc chính trị, mà là dựa trên đánh giá về các yếu tố liên quan trong thị trường dầu mỏ. Đại diện OPEC+ trấn an thị trường với cam kết tiếp tục tính đến diễn biến của đại dịch COVID-19, theo sát diễn biến trên thị trường dầu, đồng thời sẵn sàng có những điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng quyết định của OPEC+ cho thấy thị trường dầu mỏ vẫn ổn định và nhu cầu đang phục hồi. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh Nga cùng với các nước xuất khẩu dầu mỏ khác sẽ giám sát tình hình nhằm có những đánh giá về sự tác động của biến thể Omicron đối với hoạt động đi lại.