Các nước đón Năm mới lạc quan thận trọng
Thế giới đón mừng Năm mới 2022 có phần trầm lắng hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp khi biến thể Omicron lây lan mạnh. Quy mô các sự kiện đón Năm mới cũng được thu hẹp đáng kể để đảm bảo ngăn ngừa virus lây lan.
Tại Trung Quốc, nhà chức trách đã kêu gọi người dân hạn chế các hoạt động tụ tập đông người. Tại Hàn Quốc, giới chức thành phố Seoul cũng cấm người dân tới xem sự kiện truyền thống rung chuông đêm giao thừa. Thay vào đó, các gia đình có thể theo dõi sự kiện này trực tiếp trên truyền hình hoặc trên nền tảng thực tế ảo metaverse. Tại Ấn Độ, chính quyền thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã áp dụng quy định giới nghiêm vào lúc 22h. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio kêu gọi người dân đeo khẩu trang tại các bữa tiệc và giới hạn số người tham dự.
Không khí đón mừng Năm mới 2022 tuy không được tưng bừng như thường lệ, song cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho Năm mới này vẫn là ước nguyện của mọi người dân trên Trái Đất vào khoảnh khắc giao thừa. Dù đại dịch còn đó, nhưng người dân các nước chào đón giao thừa bằng những cách thức đặc trưng và truyền thống nhất, hướng về một năm mới với những điều tốt đẹp hơn.
Sydney, thành phố lớn nhất của Australia, vẫn quyết tâm tổ chức màn bắn pháo hoa đêm giao thừa. Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet thậm chí còn kêu gọi người dân ra đường ăn mừng Năm mới bất chấp việc số ca nhiễm mới tại bang này lên mức cao nhất từ trước đến nay. Rất nhiều người đổ về vịnh Sydney để thưởng thức khoảnh khắc rực rỡ đón mừng chuyển giao sang Năm mới.
Đại dịch COVID-19 gây ra hệ quả nặng nề đối với thành phố New York của Mỹ. Nhưng vẫn có khoảng 16.000 người đã đổ về Quảng trường Thời đại để chứng kiến thời khắc quả cầu nặng 6 tấn nạm gần 2.700 viên pha lê được thả xuống, chính thức đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Vẫn còn đó những lo ngại nhất định về đại dịch, nhất là sự xuất hiện của biến thể Omicron. Trong tuần cuối cùng của năm 2021, thế giới ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục, với hơn 20 nước có số ca mắc COVID-19 theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phát đi cảnh báo về “sóng thần lây nhiễm” khi hai biến thể Detla và Omicron cùng lây lan mạnh trên toàn cầu.
Nhưng có lý do để tin rằng 2022 sẽ mở ra một giai đoạn mới, với nhiều diễn biến tích cực hơn. Nói như Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus: “Chúng ta có sức mạnh để xoay chuyển cuộc khủng hoảng này một lần và mãi mãi. Tôi tin rằng nếu chúng ta đạt tiến triển đối với những mục tiêu này, khi cùng ngồi lại vào cuối năm 2022, chúng ta sẽ không phải đánh dấu kết thúc năm thứ ba của đại dịch mà sẽ ăn mừng sự trở lại của trạng thái bình thường như trước khi có dịch”.
Nga, Mỹ tăng cường đối thoại giải quyết bất đồng
Rạng sáng 31/12/2021 (theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã điện đàm thảo luận về mối quan hệ đang căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine và chiến lược mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang phía Đông.
Cuộc điện đàm được thực hiện theo đề nghị của nhà lãnh đạo Nga, kéo dài 50 phút và mở ra cánh cửa cho một giải pháp ngoại giao trong các cuộc đàm phán trực tiếp dự kiến diễn ra vào tháng tới. Đây là lần thứ hai trong vòng ba tuần hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga có các cuộc tiếp xúc, điện đàm với nhau. Kết quả nổi bật chính là việc cả ông Putin và ông Biden đều bày tỏ sự ủng hộ sử dụng thêm các biện pháp ngoại giao trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Phía Mỹ nhìn nhận cuộc điện đàm lần này là nghiêm túc và thực chất. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong điện đàm, Tổng thống Biden tuyên bố quan điểm Mỹ cùng các đồng minh và đối tác sẽ đáp trả một cách dứt khoát nếu Nga đưa quân vào Ukraine. Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ hy vọng đàm phán về đảm bảo an ninh Mỹ-Nga sắp tới sẽ có tiến triển rõ nét.
Về phần mình, Cố vấn chính sách đối ngoại Yury Ushakov của Tổng thống Nga cho biết ông Putin "hài lòng" về cuộc điện đàm vừa kết thúc, cho rằng điện đàm lần này tạo tiền đề thuận lợi cho các vòng đối thoại tới đây. Tổng thống Nga cũng cảnh báo lệnh trừng phạt của Washington và đồng minh có thể khiến các mối quan hệ rạn nứt.
Tại cuộc điện đàm lần này, lãnh đạo Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về đàm phán về đảm bảo an ninh theo 3 định dạng: Đàm phán tại Vienna, Geneva và Brussels. Gắn với đó là ba sự kiện nổi bật trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và phương Tây, diễn ra gần như đồng thời trong ngay đầu năm mới. Đó là đàm phán về tình hình Ukraine, an ninh tại châu Âu và các vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ trang vào ngày 10/1. Kế đến là cuộc họp Hội đồng Nga-NATO (NRC) trong ngày 12/1 và cuối cùng là cuộc gặp giữa Nga với đại diện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSEC) trong ngày 13/1.
Quan hệ giữa Nga với phương Tây thường xuyên căng thẳng liên quan đến tình hình Ukraine. Điểm mấu chốt nhất hiện này chính là việc yêu giới hạn đỏ mà Moskva đặt ra trước Mỹ và đồng minh về đề xuất bảo đảm an ninh. Nga không chấp nhận việc Mỹ và NATO, mở rộng hoạt động về phía Đông và triển khai vũ khí gần biên giới Nga, coi đây là điểm không thể chấp nhận được.
Đến thời điểm này, Mỹ và các đồng minh châu Âu chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về đề nghị bảo đảm an ninh được Moskva nêu ra. Ngày 31/12/2021, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ nói chung chung rằng liên minh quân sự này sẵn sàng đàm phán với Nga về vấn đề Ukraine sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất rằng NATO cần đưa ra đảm bảo về an ninh với Nga.