Châu Á chìm trong ‘sóng thần’ dịch bệnh
Theo hãng tin AP, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Á đã khiến không ít quốc gia phải gia hạn tình trạng khẩn cấp, áp đặt các lệnh phong tỏa và đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine trong tuần qua.
Đối mặt với số lượng các ca mắc mới tăng vọt trong một vài tháng trở lại đây, giới chức chính quyền tại một số nước ở châu Á và Thái Bình Dương như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia ngày 9/7 đã thông báo tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiểm kiểm soát tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 trước khi hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải.
Với sự xuất hiện của biến thể Delta lây lan nhanh và tốc độ tiêm chủng chậm cùng với một số quyết định nới lỏng các biện pháp phòng ngừa nhằm khôi phục nền kinh tế, giờ đây, một số quốc gia châu Á phải chứng kiến số ca mắc và ca tử vong vì COVID-19 cao kỷ lục. Mặc dù các con số đó hiện nay chưa thấm vào đâu so với những con số ghi nhận trong các đợt bùng phạt dịch ở châu Âu và Mỹ song xu hướng gia tăng nhanh cũng làm dấy lên tiếng chuông cảnh báo.
Thái Lan ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong ngày 8/7 đạt mức kỷ lục với 75 ca, theo sau là ngày 9/7 với 72 ca. Cùng ngày, theo Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Hàn Quốc xác nhận số ca mắc mới kỷ lục với 1.316 ca/ngày. Trong khi đó, lần đầu tiên Indonesia chứng kiến tình trạng gia tăng số bệnh nhân bị bệnh viện từ chối và nguồn cung cấp oxy cạn kiệt.
Trong số 317.506 ca mắc COVID-19 và 2.534 trường hợp tử vong tại Thái Lan kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 90% được ghi nhận từ đầu tháng 4, sau khi xứ sở chùa vàng kết thúc lễ hội mừng năm mới Songkran.
Ngay lập tức, Thái Lan đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt về việc đeo khẩu trang và các biện pháp khác để ngăn chặn COVID-19 lây lan. Đến ngày 9/7, Chính phủ Thái Lan công bố siết chặt hơn các biện pháp, đóng cửa các spa, hạn chế giờ lưu thông công cộng và thời gian mở cửa của các chợ cũng như cửa hàng tiện lợi.
Tại Hàn Quốc – quốc gia được ca ngợi trước đó với phản ứng kịp thời dập dịch đợt đầu tiên, nhiều nhà chỉ trích đổ lỗi cho chính sách nới lỏng giãn cách xã hội để phục hồi kinh tế của chính phủ là nguyên nhân dẫn tới số ca mắc tăng vọt tại thủ đô Seoul vừa qua.
Các nhà chức trách Hàn Quốc ngày 9/7 thông báo bắt đầu từ tuần tới, họ sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế mạnh nhất, bao gồm cấm công dân tụ tập từ 3 người trở lên sau 6 giờ chiều, đóng cửa các câu lạc bộ đêm và nhà thờ, cấm khách đến thăm bệnh viện và viện dưỡng lão cũng như giới hạn đám cưới, đám tang gói gọn trong quy mô gia đình.
Nói đến mức độ tổn thất, không quốc gia nào tại châu Á-Thái Bình Dương bị ảnh hưởng nặng nề như Indonesia. Số ca mắc mới và tử vong trung bình trong 7 ngày mới đây đều tăng gấp đôi so với 2 tuần trước đó.
Các chuyên gia y tế cho rằng lệnh phong tỏa một phần được áp dụng vào ngày 3/7 là quá muộn và cảnh báo làn sóng dịch bệnh đang hoành hành tại các đảo Java, Bali và đảo Sumatra sẽ sớm bắt đầu lan rộng trong khi hệ thống y tế phải đối mặt với sức ép lớn.
Nhật Bản và Australia cũng công bố các biện pháp hạn chế mới trong tuần này. Về phần mình, Nhật Bản đã gia hạn tình trạng khẩn cấp ở Tokyo cho tới ngày 22/8, tức là trong suốt thời gian diễn ra Olympic 2020 do Tokyo ghi nhận tới 920 ca mắc mới đạt kỷ lục. Theo bản tổ chức sự kiện thể thao, các trận thi đấu ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là Chiba, Kanagawa và Saitama sẽ diễn ra mà không có khán giả.
Với việc phát hiện các ca mắc biến thể Delta vào tháng trước ở New South Wales (Australia), Thủ hiến bang Gladys Berejiklian ngày 9/7 tuyên bố đây là "thời điểm đáng sợ nhất" của đại dịch. Giới chức Sydney cũng công bố những biện pháp hạn chế mới sau khi thành phố ghi nhận 44 ca mắc mới.
Haiti chìm trong khủng hoảng
Tuần qua, giới chính trị toàn cầu đã được một phen chấn động với vụ việc Tổng thống Haiti Jovenal Moise bị các tay súng chưa rõ danh tính ám sát ngay tại nhà riêng vào sáng 7/7. Ông đã tử vong ngay tại chỗ trong khi Đệ nhất phu nhân Martine Moise bị thương nặng và được điều trị tại bệnh viện.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thủ tướng lâm thời Haiti Claude Joseph đã ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp cả nước. Cảnh sát Haiti cho biết ít nhất 28 đối tượng đã tham gia vụ ám sát, trong đó có 26 đối tượng người Colombia, 2 người Mỹ gốc Haiti.
Các nước và tổ chức quốc tế bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc đồng loạt lên án vụ ám sát đồng thời lên tiếng cảnh báo sự việc có nguy cơ gây mất ổn định và đẩy quốc gia Caribe rơi vào vòng xoáy bạo lực. Sau khi được Chính phủ Haiti đưa ra đề nghị giúp đảm bảo an ninh, đặc biệt là các cơ sở hạ tầng quan trọng, Mỹ thông báo sẽ cử các nhân viên thực thi pháp luật liên bang bao gồm ục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa tới Haiti.
Ngày 9/7 (theo giờ địa phương), Thượng viện Haiti đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch Thượng viện Joseph Lambert làm nhà lãnh đạo lâm thời của đất nước. Đây là bước đi có lẽ sẽ thách thức trực tiếp quyền Thủ tướng Claude Joseph và đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ cũng như Liên hợp quốc.
Về phần mình, quyền Thủ tướng Claude Joseph cáo buộc lực lượng đối lập đang lợi dụng vụ ám sát Tổng thống Moise để thâu tóm quyền lực chính trị.
Haiti đang đối mặt với chia rẽ chính trị sâu sắc, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng thiếu lương thực và đã có những lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ lan rộng. Bạo lực trên đường phố Haiti ngày càng tăng do tình trạng nghèo đói và bất ổn chính trị. Hàng nghìn người ở Port-au-Prince buộc phải di dời và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Haiti.
Sau khi lên nắm quyền tại Haiti từ tháng 2/2017 thay thế cựu Tổng thống Michel Martelly, cố Tổng thống Moise đã có một nhiệm kỳ đầy biến động. Ông phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng và làn sóng biểu tình bạo lực chống chính phủ.