Chủ tịch Hạ viện Mỹ thăm Đài Loan
Bất chấp phản đối kịch liệt của Bắc Kinh, tối ngày 2/8, máy bay chở phái đoàn nghị sĩ Mỹ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dẫn đầu đã hạ cánh xuống sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Đây là quan chức cấp cao nhất của Mỹ thăm đảo Đài Loan sau 25 năm.
Tại Viện lập pháp, bà Pelosi bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi giữa các cơ quan lập pháp hai bên. Bà cũng đã gặp người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn, khẳng định mong muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực an ninh, phát triển kinh tế và chuỗi cung ứng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố chuyến thăm đã ảnh hưởng tới nền tảng chính trị của quan hệ Trung Quốc - Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” và những điều khoản của bộ 3 thông cáo chung Trung - Mỹ, xâm phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Chuyến thăm hủy hoại nghiêm trọng hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan, đồng thời bắn tín hiệu sai lầm nghiêm trọng tới các lực lượng ly khai về “Đài Loan độc lập”.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã ra tuyên bố về việc Mỹ xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc ngay sau chuyến thăm của bà Pelosi. Ông nhấn mạnh Đài Loan là một phần lãnh thổ bất khả xâm phạm của Trung Quốc và cho rằng việc Mỹ đưa vấn đề Đài Loan vào chiến lược của họ đã làm gia tăng căng thẳng và thúc đẩy đối đầu. Điều này đi ngược lại xu thế phát triển của khu vực và mong đợi của người dân khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bà Pelosi và những người thân cận vì chuyến thăm Đài Loan mới đây. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ ngừng hoặc đình chỉ các cuộc đối thoại với Washington về một loạt vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho tới quốc phòng, cũng như hợp tác chống buôn bán ma túy. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã ra quyết định trừng phạt, ngừng xuất khẩu cát tự nhiên sang Đài Loan. Theo cơ quan Hải quan Trung Quốc, nước này cũng sẽ ngừng nhập khẩu các loại trái cây và một số loại hải sản đông lạnh từ Đài Loan.
Về phía quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova lưu ý rằng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ là “sự khiêu khích” nhằm gây áp lực đối với Bắc Kinh.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, coi đây là “sự can thiệp thiếu thận trọng” của Mỹ vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Triều Tiên nêu rõ nước này “kịch liệt phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của bên ngoài vào vấn đề Đài Loan và hoàn toàn ủng hộ Trung Quốc”.
Bình luận về chuyến thăm, ông Stephane Dujarric, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres , đã nhắc lại sự ủng hộ đối với nguyên tắc “Một Trung Quốc” theo Nghị quyết 2758 năm 1971 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh chuyến thăm của bà Pelosi hoàn toàn phù hợp với chính sách “Một Trung Quốc” của Mỹ. Ông tuyên bố: “Không gì thay đổi trong chính sách một Trung Quốc vốn được chỉ dẫn bởi Đạo luật quan hệ Đài Loan, 3 thông cáo chung Mỹ-Trung và 6 đảm bảo. Chúng tôi phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng từ cả hai phía và chúng tôi không ủng hộ độc lập của Đài Loan. Chúng tôi hy vọng các bất đồng giữa hai bờ eo biển sẽ được giải quyết một cách hòa bình”.
Ông Robert Daly - cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh và Giám đốc Viện Kissinger về Trung Quốc và Mỹ tại Trung tâm Wilson - nhận định chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ không có khả năng gây ra xung đột nhưng sẽ đẩy các bên đến gần vùng nguy hiểm.
“Điều đó sẽ thiết lập một đường cơ sở mới đưa Mỹ - Trung đến gần hơn với cuộc đối đầu. Song tôi không nghĩ rằng chúng tôi sẽ đối đầu vào khoảng thời gian này, nhưng tôi cũng không nghĩ mối quan hệ với Bắc Kinh sẽ tốt hơn trong tương lai gần”, ông nói.
Bệnh đậu mùa khỉ diễn biến phức tạp
Trong tuần qua, bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục diễn biến phức tạp, phủ gam màu xám lên bức tranh y tế toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters (Anh), Hôm 4/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo số ca bệnh trên toàn cầu tăng khoảng 19% trong tuần qua. Kể từ đầu tháng 5/2022 đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 26.500 ca bệnh đậu mùa khỉ tại gần 80 quốc gia, trong đó phần lớn ở châu Âu. Trên thực tế, con số lây nhiễm có thể cao hơn nhiều do một số nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ.
Trong diễn biến đáng chú ý, Mỹ - "điểm nóng" về bệnh đậu mùa khỉ - đã tuyên bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi ghi nhận trên 6.600 ca mắc. Tuyên bố trên do Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Becerra đưa ra trong buổi họp báo cùng các quan chức y tế hàng đầu khác. Động thái này sẽ kích hoạt những khoản ngân sách mới, công tác hỗ trợ thu thập dữ liệu và cho phép triển khai nhân lực bổ sung cho cuộc chiến chống lại dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Đây là lần thứ 5 Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kể từ năm 2001. Lần gần nhất là đối với COVID-19 khi bệnh này mới xuất hiện hơn 2 năm trước. Ông Lawrence Gostin, chuyên gia luật sức khỏe tại Đại học Georgetown, gọi tuyên bố mới là “bước ngoặt quan trọng trong ứng phó đậu mùa khỉ sau khởi đầu chậm chạp”.
Tại châu Á, giới chức y tế Thái Lan ngày 5/8 xác nhận trường hợp phụ nữ đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này và là ca bệnh thứ 4 được ghi nhận kể từ tháng 7. Giới chức y tế thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng thông báo ghi nhận một ca bệnh đậu mùa khỉ ở phụ nữ người nước ngoài vào hôm 4/8.
Trong khi vẫn chưa thể xác định liệu virus này chủ yếu lây truyền qua đường tình dục hay do các tiếp xúc kéo dài trong đó có quan hệ tình dục, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết những người đàn ông có nhiều bạn tình là đối tượng rủi ro cao. Giới chức ở hàng loạt quốc gia đang tăng cường truy vết, khuyến nghị những đối tượng dễ mắc bệnh tiêm vaccine.
Tuy nhiên, xu hướng ca bệnh gia tăng đang gây áp lực đối với nhiều quốc gia trong việc triển khai tiêm vaccine. Tại Mỹ, Nhà Trắng thông báo họ đã cung cấp hơn 1,1 triệu liều vaccine, đồng thời nâng cao năng lực chẩn đoán bệnh lên 80.000 xét nghiệm/tuần.
Trong khi đó, theo Quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) châu Phi - ông Ahmed Ogwell, châu lục này vẫn chưa có bất kỳ liều vaccine đậu mùa khỉ nào. Giới chức đang tiến hành thảo luận với một số quốc gia và tổ chức về khả năng cung cấp vaccine. Ông nêu rõ châu Phi cũng đang cần gấp các bộ dụng cụ xét nghiệm.
Các trường hợp đậu mùa khỉ được ghi nhận ở châu Âu và Bắc Mỹ dường như chỉ liên quan đến người đồng tính nam và lưỡng tính, mặc dù các quan chức y tế cho biết virus có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh, quần áo hoặc ga trải giường của họ.
Biểu hiện thường gặp của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược, sưng hạch và phát ban hoặc tổn thương da. Các triệu chứng thường tự khỏi trong vòng 2 đến 3 tuần, tuy nhiên bệnh có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc người suy giảm miễn dịch.