Bùng dịch COVID-19 tại châu Âu
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu tuần qua ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 7% so với tuần trước đó. Đây cũng là khu vực duy nhất trên thế giới mà dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trong ba tuần liên tiếp.
Trong báo cáo tuần về tình hình dịch COVID-19 được WHO công bố ngày 20/10, trong tuần từ 11-17/10, toàn thế giới ghi nhận hơn 2,7 triệu ca mắc mới và 46.000 ca tử vong, giảm tương ứng 4% và 2% so với tuần trước đó.
WHO thúc giục các quốc gia đề cao cảnh giác trong bối cảnh nhiệt độ hạ thấp cùng với các hoạt động làm việc, đi lại và giải trí quay trở về trạng thái bình thường. Trong 6 khu vực địa lý của các nước thành viên WHO, châu Âu là trường hợp duy nhất khi số ca mắc mới trong tuần tăng 7% so với 7 ngày trước đó, với tổng số 1,3 triệu ca mắc. Hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc tăng lên.
Theo kênh truyền hình CNBC, đáng chú ý, diễn biến dịch bệnh tại Séc, Hungary và Ba Lan đã xấu đi với số ca tăng 50% so với 7 ngày trước. Ông Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, cho biết khi mùa Đông đến gần, virus SARS-CoV-2 bắt đầu gây sức ép đối với hệ thống chăm sóc y tế ở một số quốc gia. Theo ông, làn sóng gia tăng số người nhiễm virus này một phần là do chính sách nới lỏng những biện pháp giới hạn phòng dịch COVID-19. Tỷ lệ tiêm chủng thấp tại Trung Âu và Đông Âu cũng là một nguyên nhân.
Các chính phủ ở châu Âu cũng không loại trừ khả năng tái áp đặt giới hạn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn. Latvia ngày 20/10 là quốc gia châu Âu quay trở lại tình trạng phong toả do tỷ lệ mắc COVID-19 tăng cao. Tỷ lệ mắc COVID-19 ở Latvia ở mức bình quân đầu người cao nhất thế giới trong tuần qua, đe dọa hệ thống y tế bị quá tải. Đất nước có 1,9 triệu dân này sẽ đóng cửa các quán bar, cửa hàng, áp đặt lệnh giới nghiêm và duy trì khoảng cách an toàn tại trường học. Một số quốc gia cũng đối diện kịch bản tương tự.
Nước láng giềng Estonia có thể phải áp đặt chính sách giống Latvia nếu tình hình dịch bệnh trong nước trở nên tồi tệ hơn. Trong khi đó, tại Romania với chưa đầy 1/3 nền dân số 19 triệu người được tiêm vaccine ngừa COVID-19, WHO và các nước EU đã vận chuyển máy thở, máy tạo oxy và bộ xét nghiệm để hỗ trợ nước này điều trị số lượng bệnh nhân trở nặng đang ngày một tăng. Tổng thống Romania Klaus Iohannis ngày 20/10 thông báo đóng cửa trường học trong vòng hai tuần, đồng thời áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm đối với những người chưa tiêm vaccine. Người dân phải chấp hành đeo khẩu trang ở khắp nơi.
Ngày 21/10, Thị trưởng Moskva (Nga) Sergei Sobyanin thông báo thành phố này sẽ áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa từ ngày 28/10 để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 với số ca mắc và tử vong tăng kỷ lục. Theo đó, tất cả các cửa hiệu, quán bar và nhà hàng đều sẽ phải đóng cửa, ngoại trừ những địa điểm bán hàng hóa thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc. Trước đó, ngày 20/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30/10-7/11 và cho phép các địa phương bổ sung các biện pháp khác tùy tình hình dịch bệnh.
Với số ca tử vong vì COVID-19 trong 7 ngày lên đến 51 người, Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtech thông báo từ ngày 25/10 người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang ở trong không gian kín, kể cả nơi công sở. Từ ngày 1/11, các nhà hàng sẽ phải kiểm tra hồ sơ y tế của khách hàng.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 21/10 kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm mũi vaccine tăng cường cần đặt lịch tiêm ngay lập tức, đồng thời kêu gọi trẻ em từ 12 đến 15 tuổi đi tiêm bởi nguồn cung vaccine không thiếu. Số ca mắc COVID-19 ở Anh đã vượt 40.000 ca/ngày trong 8 ngày liên tiếp, với hơn 52.000 ca được ghi nhận vào ngày 21/10. Giới chuyên gia cảnh báo số ca mắc mới tại quốc gia này có thể lên đến 100.000 trường hợp mỗi ngày vào mùa Đông tới.
Nga đình chỉ phái bộ ngoại giao tại NATO
Đáp lại hành động của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trục xuất 8 thành viên phái bộ Nga với cáo buộc họ là gián điệp được cài cắm vào các đại bản doanh của các đồng minh của NATO, Điện Kremlin ngày 18/10 tuyên bố quốc gia này sẽ đình chỉ phái bộ ngoại giao của nước này tại NATO , cũng với Văn phòng thông tin và phái bộ quân sự của liên minh quân sự này ở thủ đô Moskva.
Tờ Guardian dẫn thông báo của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết phái bộ ngoại giao của nước này tại NATO sẽ ngừng hoạt động từ ngày 1/11 và mọi thông tin trao đổi giữa hai bên sẽ được thực hiện thông qua Đại sứ quán Nga tại Bỉ nếu cần thiết. Các hoạt động của phái bộ quân sự NATO ở Moskva cũng sẽ tạm dừng từ ngày 1/11. Nhà ngoại giao này cho biết Nga sẽ thu hồi các giấy tờ công nhận cấp cho nhân viên tại văn phòng.
Trước đó, NATO xác nhận đã thu hồi giấy phép của 8 nhân viên thuộc cơ quan đại diện Nga tại liên minh này cũng như giảm số nhân viên phái bộ Nga làm việc tại trụ sở chính ở Brussels xuống còn 10 người. Nga cáo buộc hành động của NATO đi ngược lại những tuyên bố về nỗ lực đối thoại với Moskva trước đó.
Sau động thái trên của Chính phủ Nga, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh này vẫn cần phải đối thoại với Nga mặc dù Moskva đình chỉ hoạt động của phái bộ ngoại giao nước này tại NATO. Ông lấy làm rất tiếc về quyết định trên của Nga và cho rằng khi căng thẳng lên cao, điều quan trọng là hai bên phải đối thoại. Nhà lãnh đạo này nêu rõ chính sách của NATO đối với Nga vẫn nhất quán và vẫn để ngỏ khả năng đối thoại, trong đó có đối thoại thông qua Hội đồng Nga - NATO.
Giới quan sát nhận định mối quan hệ giữa Nga và NATO hiện ở mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Ông Sergei Lavrov ngày 19/10 cho rằng NATO phải là bên đầu tiên thực hiện bước đi để cải thiện quan hệ với Moskva.
Sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, NATO đã dừng hợp tác thực tế với Moskva, nhưng vẫn mở các kênh cho các cuộc họp cấp cao và hợp tác quân sự. Trong khi đó, phía Nga cáo buộc NATO có những hoạt động khiêu khích ở biên giới của nước này và triển khai những cuộc tập trận quy mô lớn trong tháng 9 vừa qua.