Cuộc gặp ghi dấu ấn tại DMZ
Ngày 29/6, khi đến Nhật Bản dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đăng trên mạng xã hội Twitter: “Nếu Chủ tịch Triều Tiên nhìn thấy nội dung này, thì tôi muốn được gặp ông ấy tại khu phi quân sự (DMZ) để bắt tay và gửi lời chào!”.
Chưa đầy 48 giờ sau, Tổng thống Trump đã gặp, bắt tay, họp báo và thảo luận với Chủ tịch Kim Jong-un tại DMZ (video dưới, nguồn: AP).
Sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Kim Jong-un với Tổng thống Trump tại DMZ, kết quả thu được là hai bên thống nhất nối lại đàm phán song phương. Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai ở thủ đô Hà Nội ngày 28/2, hai bên đã không có tuyên bố chung do những khác biệt liên quan tới mức độ Bình Nhưỡng sẵn sàng giải trừ hạt nhân và Washington nới lỏng trừng phạt đối với Triều Tiên.
Kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai, mối quan hệ Triều Tiên-Mỹ gặp rủi ro khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm ngắn. Nhưng lần này Tổng thống Trump không dùng những lời mạnh mẽ khẩu chiến qua lại với Chủ tịch Triều Tiên như điều xảy ra trong năm đầu ông bước chân vào Nhà Trắng.
Các chuyên gia nhận định cuộc gặp thứ ba của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim Jong-un mang tính đột phá, cho thấy lãnh đạo của hai quốc gia có thể vượt qua những bế tắc ngoại giao với nhiều tháng trì hoãn để gặp gỡ khi có cơ hội.
Tuy nhiên, biên tập viên Ankit Panda làm việc tại tờ Diplomat đánh giá để thực sự đạt được tiến trển trong mối quan hệ với Triều Tiên, các nhà đàm phán Mỹ cần xem xét lại chiến lược cơ bản.
Trước đó, ngày 10/6, Chủ tịch Kim Jong-un đã gửi Tổng thống Trump một bức thư và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi bức thư này “thú vị”. Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA sau đó đưa tin Tổng thống Trump cũng gửi một bức thư phản hồi với nội dung “lý thú”.
Kênh CNN (Mỹ) cho biết trong chuyến đi đến Hàn Quốc vào cuối tháng 6 này, hộ tống Tổng thống Trump là các nhà đàm phán với Triều Tiên gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun.
Trước khi dự cuộc gặp thứ ba với Tổng thống Trump, Chủ tịch Kim Jong-un đã có những chuyến công du gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tai nạn tàu ngầm Nga
Bộ Quốc phòng Nga cho biết vụ tai nạn xảy ra trên lãnh hải Nga và hỏa hoạn trên tàu lặn đã được dập hoàn toàn nhờ hành động hy sinh của các thành viên có mặt. Hiện tại, tàu lặn được đặt ở căn cứ hải quân Severomorsk.
Hãng TASS (Nga) cho biết tàu lặn này khi gặp tai nạn đang thực hiện phương pháp đo độ sâu dưới đáy biển, thu thập thông tin về dòng chảy, kích thước. Kết quả của nghiên cứu này rất quan trọng để đảm bảo định vị dưới nước và trên mặt nước biển và chủ yếu dành cho mục đích nghiên cứu khoa học.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tàu lặn bị cháy ngày 1/7 là tàu năng lượng hạt nhân.
Phát biểu của Tổng thống Putin được đưa ra trong trao đổi với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Kênh CNN cho biết Bộ trưởng Shoigu đánh giá vụ tai nạn bắt nguồn từ hỏa hoạn tại khoang ắc quy.
Bộ trưởng Shoigu cũng khẳng định với Tổng thống Putin rằng lò phản ứng hạt nhân trên tàu đã được cách ly, đội ngũ thủy thủ đã thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ thiết bị này.
Ngày 3/7, ông Shoigu cho biết 14 thành viên trên tàu đã hy sinh, trong đó có 7 sĩ quan cấp đại tá và 2 Anh hùng Nga.
Bộ trưởng Shoigu cho biết thủy thủ trên tàu lặn đã sơ tán các đại diện dân sự khỏi khu vực hỏa hoạn sau đó khóa cửa để ngăn ngọn lửa lan ra đồng thời họ đã chiến đấu đến cùng để bảo vệ tàu lặn.
Đây là một trong những sự cố gây nhiều thương vong nhất trong Hải quân Nga những năm gần đây. Hãng TASS (Nga) cho biết trong năm 2008, 20 người đã thiệt mạng trên một tàu ngầm hạt nhân Nga. Trước đó, vào năm 2000, ít nhất 100 thủy thủ đã hy sinh trên tàu ngầm năng lượng hạt nhân Kursk tại Biển Barents.