Tin vui tháng 10 của Thủ tướng AbeLiên minh cầm quyền Đảng Tự Do Dân chủ (LDP) và Đảng Komeito đã dành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử ngày 22/10 và giành hơn 2/3 ghế trong Hạ viện Nhật Bản.
Kênh CNN (Mỹ) đánh giá, qua chiến thắng này, với 4 năm lãnh đạo tiếp theo, ông Abe sẽ trở thành Thủ tướng tại vị lâu nhất của Nhật Bản kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai. Được biết ông Abe đảm nhận vị trí Thủ tướng từ tháng 12/2012.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại trụ ở LDP sở thủ đô Tokyo ngày 22/10. Ảnh: THX/TTXVN |
Sau cuộc bầu cử, Thủ tướng Shinzo Abe nói: “Chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nhật Bản, vượt qua cả mong đợi”.
Thủ tướng Abe nêu rõ: “Nhiệm vụ trước mắt của tôi là giải quyết vấn đề CHDCND Triều Tiên. Sẽ cần ngoại giao cứng rắn. Với sự ủy nhiệm của người dân, tôi chủ trương hành động dựa trên ngoại giao”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tối 22/10 đã gọi điện chúc mừng ông Abe. Trong cuộc điện đàm, cả hai nhà lãnh đạo cùng thống nhất về tính cần thiết của việc gia tăng áp lực lên Trều Tiên.
Vào đầu năm nay, trước các động thái khiêu khích của Triều Tiên, ông Abe đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sửa đổi hiến pháp Nhật Bản nhằm thay đổi quy định hiện hành đang ngăn nước này thành lập lực lượng vũ trang và chỉ được duy trì lực lượng phòng vệ.
Với liên minh cầm quyền của Đảng LPD và Đảng Komeito giành 312 ghế trong tổng số 465 ghế trong quốc hội Nhật Bản, mục tiêu của Thủ tướng Abe không còn quá xa vời.
Ngoài ra, ông Abe cũng tích cực ủng hộ các biện pháp nhằm giải quyết khó khăn liên quan đến nhân khẩu học tại Nhật Bản khi quốc gia này đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số và dân số giảm. Dân số Nhật Bản hiện nay là 127 triệu người và ước tính đến năm 2065 sẽ giảm xuống còn 88 triệu người.
Ngày 23/10, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã có phản ứng tích cực với chiến thắng của nhà lãnh đạo LDP khi tiếp tục tăng điểm.
"Cơn đau đầu" mang tên Catalonia của Tây Ban NhaCuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập của Catalonia ngày 1/10 mà Chính phủ Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp đã đẩy quốc gia châu Âu này lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. Đến ngày 27/10, tình hình thêm căng thẳng sau khi cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalonia bỏ phiếu tuyên bố độc lập. Chỉ vài giờ sau sự kiện này, Thượng viện Tây Ban Nha đã thống nhất trao cho chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy nắm quyền trực tiếp Catalonia.
Người dân Catalonia tuần hành trên đường phố thủ phủ Barcelona sau khi cơ quan lập pháp địa phương thông qua tuyên bố độc lập. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cùng ngày 27/10, Thủ tướng Rajoy tuyên bố phế truất Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và sẽ tiến hành bầu cử sớm tại vùng tự trị này vào ngày 21/12.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Rajoy cho biết chính quyền vùng Catalonia bị giải tán và tuyên bố cách chức người đứng đầu lực lượng cảnh sát Catalonia là ông Mossos d’Esquadra.
Tờ Aljazeera đánh giá việc áp dụng quyền lãnh đạo trực tiếp lên Catalonia dự kiến sẽ có nhiều trở ngại với chính quyền trung ương Tây Ban Nha. Theo đó, Catalonia đã bảo vệ quyền tự trị khá mãnh mẽ với hệ thống giáo dục, y tế và cảnh sát riêng. Chính phủ Tây Ban Nha xác nhận không có kế hoạch tiến hành bắt giữ, song điều này vẫn gây rắc rối trong trường hợp thành viên chính quyền Catalonia kiên quyết không rời nhiệm sở.