Lịch trình dần hé lộQuang cảnh bên ngoài khách sạn Capella trên đảo Sentosa ở Singapore, nơi sẽ diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Theo kế hoạch chính thức mà Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp nhau vào 9h sáng 12/6 ở Singapore. Phía Washington đã chọn khách sạn hạng sang Capella trên đảo nghỉ dưỡng Sentosa là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Liên quan đến lịch trình tới Singapore, người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ rời Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G-7) tại Canada trước trưa 9/6 và đến thẳng Singapore. Tại đây, Tổng thống Trump sẽ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ trong một ngày và ngày hôm sau quay trở về nước. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tại Singapore đã vạch ra kế hoạch dự phòng cho tình huống bất ngờ, theo đó hai nhà lãnh đạo có thể tiếp tục kéo dài cuộc thảo luận sang ngày thứ hai. Tổng thống Mỹ trước đó đã bày tỏ mong muốn có sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Về phần mình, theo một số nguồn thạo tin, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ đáp máy bay tới sân bay quốc tế Changi vào ngày 10/6. Phía sân bay Changi và Cơ quan Hàng không Singapore đều chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về thông tin này.
Hiện tại, chi tiết đường bay kéo dài 4.000km từ Bình Nhưỡng tới Singapore của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn được giữ kín. Báo Hong Kong Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ngày 7/6 dẫn nguồn tin quân đội Hàn Quốc cho biết Trung Quốc có khả năng sẽ cử máy bay quân sự hộ tống chuyên cơ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi đi qua không phận nước này.
Các nguồn tin ngoại giao cho biết lãnh đạo hai nước đến Singapore tham gia Hội nghị Thượng đỉnh sẽ ở hai khách sạn khác nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump rất có thể sẽ ở khách sạn Shangri-La – nơi ở truyền thống của các tổng thống Mỹ khi đến Singapore, trong khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ ở khách sạn Fullerton với chi phí một phòng thượng hạng dành cho lãnh đạo các nước là hơn 6.000 USD/đêm. Sáng 8/6, ông Kim Chang Son, Chánh văn phòng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng đã cùng một nhóm công tác đến khảo sát khách sạn The St. Regis Singapore.
Nội dung cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là sẽ tập trung vào việc chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên để đổi lấy các hỗ trợ về ngoại giao và kinh tế. Ngoài ra, hai bên có thể đưa ra tuyên bố chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Đề xuất Nga trở lại G-7 làm nóng hội nghị
Lãnh đạo các nước G7 và EU nhóm họp bàn tròn tại Charlevoix, Quebec ngày 8/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Rạng sáng 9/6 theo giờ Việt Nam, lãnh đạo các nước thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) đã nhóm họp phiên thảo luận bàn tròn tại Charlevoix, Quebec, dưới sự chủ trì của Thủ tướng nước chủ nhà Canada, Justin Trudeau.
Chủ đề chính của hội nghị năm nay bao gồm tăng cường đầu tư cũng như tạo việc làm để thúc đẩy tăng trưởng và bình đẳng giới, song căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đồng minh dự kiến sẽ phủ bóng lên cả 2 ngày nhóm họp. Thủ tướng nước chủ nhà Canada, Justin Trudeau cùng với các quan chức cao cấp của các nước châu Âu và Nhật Bản đã không đồng tình với Tổng thống Mỹ cũng như việc nước này áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu được đánh giá là “trái phép”.
Tại hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay, một vấn đề khác nóng không kém là việc Mỹ kêu gọi chấm dứt việc loại Nga ra khỏi nhóm này đồng thời nhấn mạnh tới vai trò của Moskva tại các hội nghị thượng đỉnh G7. Phát biểu với báo giới trước khi lên đường dự Hội nghị Thượng đỉnh G-7, Tổng thống Trump nói Nga nên được tái tham gia vào nhóm: "Tại sao chúng ta tổ chức hội nghị mà không có Nga? Tôi sẽ giới thiệu, và còn tùy thuộc vào họ nữa, nhưng Nga nên tham dự hội nghị".
Trong khi Canada phản đối thì Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May và tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte hoan nghênh động thái này, nói rằng đó là vì "lợi ích của tất cả các nước". Tuy nhiên, cùng ngày EU cũng khẳng định hiện chưa phải thời điểm để Nga trở lại vì vẫn chưa đáp ứng được những điều kiện.
Về phần mình, Nga đã bác đề xuất kêu gọi trở lại G-7. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 8/6 khẳng định Nga không đặt ưu tiên tham gia G-7 mà chú trọng tới các cơ chế khác ngoài nhóm này.
Năm 1998, Nga là thành viên thứ 8 trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới khi đó gọi tắt là G8. Tuy nhiên, đến năm 2014, quy chế thành viên nhóm này của Moskva đã bị đình chỉ sau sự kiện liên quan tới Crimea diễn ra.