Rạng sáng 21/10 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận nước này sẽ rút khỏi hiệp ước hạt nhân INF với Nga, cáo buộc Moskva đã vi phạm thỏa thuận này. Ông Trump khẳng định Nga đã vi phạm Hiệp ước INF trong nhiều năm.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump còn cảnh báo Mỹ 'không thiếu tiền' chạy đua vũ trang với Nga-Trung. Ngày 22/10, ông chủ Nhà Trắng đe dọa Nga và Trung Quốc rằng Washington tiếp tục tăng cường phát triển kho vũ khí hạt nhân của mình cho đến khi hai quốc gia nói trên “hành động hợp lý trở lại”.
“Nga không tuân theo thỏa thuận. Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân cho đến khi mọi người suy nghĩ hợp lý trở lại… Mỹ đang có nhiều tiền hơn bất kỳ quốc gia nào”, Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Theo nhiều nhà phân tích, việc rút khỏi hiệp ước này sẽ cho phép Mỹ phát triển các loại tên lửa tối tân, đồng thời có thể khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới, khôi phục sự đối đầu quy mô thời Chiến tranh Lạnh. Đặc biệt, bước đi của Mỹ có thể hủy hoại mọi cơ hội gia hạn Hiệp định Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START mới) - trở ngại cuối cùng đối với Mỹ trong việc kiểm soát vũ khí hạt nhân một khi INF đổ vỡ. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton cho biết trong chuyến thăm Moskva ngày 22/10, Hiệp định START mới sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, và Washington vẫn chưa quyết định ký gia hạn tiếp hay không.
Trong phản ứng đầu tiên, hãng tin RIA Novosti dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Nga bình luận động thái của Washington được thúc đẩy bởi "giấc mơ về một thế giới đơn cực" và điều này sẽ không xảy ra.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga - Konstantin Kosachev – cảnh báo quyết định của Mỹ sẽ mở đường cho tình trạng “hỗn loạn hoàn toàn” liên quan đến vũ khí hạt nhân. “Hiện các đồng minh phương Tây của Mỹ phải đối diện với một lựa chọn: theo con đường mà Mỹ đã đi và từ đó dấy lên nguy cơ một cuộc chiến tranh mới, hay là vì lợi ích chung, ít nhất là vì bản năng sinh tồn của chính mình”, ông Konstantin Kosachev lưu ý.
Về phần châu Âu, trong khi các đồng minh của Mỹ vẫn đang chần chừ trong phản ứng trước quyết định của Tổng thống Trump, Đức đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về hậu quả khi INF bị hủy bỏ. “Hiệp định đó trong 30 năm nay trở thành một kim chỉ nam trong quá trình đảm bảo an ninh của châu Âu... Mỹ cần cân nhắc về các hậu quả tiềm tàng”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas bày tỏ trong một tuyên bố hôm 21/10.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul gọi quyết định của Washington rút khỏi INF là "cú đánh" vào các đồng minh châu Âu. Chính sách đơn cực, bất chấp sự phản đối và phớt lờ lợi ích của các đồng minh gần gũi nhất sẽ chỉ đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của nước Mỹ về lâu dài.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Fuad Izadi, đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Thế giới thuộc Viện Khoa học Chính trị và Luật pháp, Đại học Tehran, cảnh báo quyết định của Mỹ sẽ khiến quốc gia này tự cô lập, khi khiến Moskva nghĩ rằng Washington không đáng tin.
“Rời bỏ hiệp ước và các thỏa thuận, cho dù đó là song phương, như Hiệp định INF với Nga hay đa phương, như Kế hoạch Hành động chung toàn diện JCPOA, đang trở thành xu hướng chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Trump. Thật không may, điều đó ngầm ám chỉ tinh thần kiêu ngạo trong chính sách đối ngoại của Mỹ… Mỹ rút khỏi INF chỉ càng làm cho ban lãnh đạo Nga tin rằng người Mỹ không hề đáng tin, vầ dẫn tới việc Nga, Iran và các nước khác đoàn kết, cô lập Mỹ”, chuyên gia Izadi nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, liên hệ hồ sơ hạt nhân Triều Tiên hiện nay, giới phân tích cho rằng quyết định của Tổng thống Trump có thể “hủy hoại uy tín của Mỹ trên bàn đàm phán” với cả Tehran lẫn Bình Nhưỡng.
Trong bối cảnh toàn thế giới đang nỗ lực hướng tới một môi trường ổn định, an ninh và an toàn trên cơ sở hợp tác và đối thoại, việc Mỹ tiếp tục rút khỏi một văn kiện kiểm soát vũ khí quan trọng như INF được xem là bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu.
Hiệp định INF được ký kết giữa Liên Xô – Mỹ vào năm 1987 là một khoảnh khắc lịch sử của Chiến tranh Lạnh. Hiệp định quy định các bên tham gia ký kết phải phá hủy tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có tầm phóng từ 500 đến 5.500 km. Đến giữa năm 1991, Hiệp định đã phá hủy gần 2.700 tên lửa hành trình và đạn đạo của hai nước.