Lãnh đạo Nga-Mỹ gặp trực diện
Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã đạt được một số thống nhất nhưng vẫn bộc lộ khác biệt những về vấn đề nổi cộm từ lâu giữa 2 phía như nhân quyền, tấn công mạng và Ukraine sau hội nghị thượng đỉnh tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 16/6.
Đây là cuộc gặp đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ Biden, kể từ khi ông đảm nhận vị trí ông chủ Nhà Trắng, với Tổng thống Putin. Cuộc gặp này kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.
Kênh Al Jazeera đánh giá cả hai nhà lãnh đạo đã cẩn trọng khi miêu tả về cuộc gặp trực diện tại Geneva. Tổng thống Biden gọi sự kiện này là "tích cực" trong khi nhà lãnh đạo Nga dùng từ “có tính xây dựng” để đánh giá.
Tại cuộc họp báo đơn lẻ sau hội nghị, Tổng thống Biden nói rằng ông không đưa ra bất cứ đe dọa nào khi trao đổi và đã nhấn mạnh về các lợi ích của Mỹ trong đó có an ninh mạng. Ông cũng chia sẻ đã nêu rõ với người đồng cấp Putin rằng Washington sẽ phản ứng nếu Nga vi phạm đến những vấn đề này.
Nhà lãnh đạo Nga Putin trong khi đó tổ chức họp báo kéo dài gần 1 giờ trước các phóng viên nước ngoài. Ông thể hiện sự cứng rắng trước câu hỏi liên quan đến việc Tổng thống Biden gây áp lực về vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng bày tỏ tôn trọng người đồng cấp Mỹ với tư cách là một chính khách nhiều kinh nghiệm.
Nhà lãnh đạo Nga cũng thừa nhận “khó để nói rằng” mối quan hệ đã cải thiện nhưng “vẫn có tia hy vọng”. Ông cũng tiết lộ rằng Mosva và Washington đã thảo luận về thay đổi đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).
Hai phía cũng thống nhất về việc điều các nhà ngoại giao quay lại Moskva và Washington sau khi triệu hồi họ về nước do xích mích trong những tháng gần đây. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov vào tháng 3 được triệu hồi về Moskva sau khi Tổng thống Biden miêu tả người đồng cấp Nga Putin là “kẻ sát nhân” trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh ABC News. Đến tháng 4, Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan tuyên bố về nước để hội ý với chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Hội nghị thượng đỉnh đã kết thúc sớm hơn kế hoạch và Tổng thống Biden nói rằng đó là vì hai nhà lãnh đạo đã thảo luận mọi vấn đề then chốt.
Biến thể Delta hoành hành tại nhiều quốc gia
Trong thời gian qua, biến thể virus SARS-CoV-2 Delta (B.1.617) vốn phát hiện lần đầu ở Ấn Độ đã lây lan sang nhiều quốc gia khiến chính phủ nhiều nơi phải gia hạn lệnh giãn cách xã hội.
Hãng thông tấn Reuters đưa tin Điện Kremlin vào ngày 18/6 đánh giá số ca mắc mới COVID-19 tăng mạnh trong thời gian qua, chủ yếu là biến thể Delta, bắt nguồn từ việc người dân chần chừ tiêm vaccine.
Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin đã kéo dài thêm hạn chế được áp đặt từ tháng này trong đó bao gồm cấm các sự kiện trên 1.000 người, đóng cửa nhà hàng sau 1 giờ đêm… Ông đánh giá rằng tình hình dịch tại thủ đô 13 triệu dân đang xấu đi. Thị trưởng Sergei Sobyanin phát biểu trên truyền hình: “Theo dữ liệu mới nhất, có tới 89,3% người dân Moskva gần đây mắc COVID-19 có biến thể Delta”.
Dữ liệu y tế của Anh công bố ngày 18/6 cũng cho thấy số ca mắc COVID-19 mới với biến thể Delta tại nước này đang tăng mạnh. Theo đó, trong khoảng thời gian từ 10-16/6, tại Anh có 33.630 ca mắc COVID-19 mới mang biến thể Delta.
Ông Jenny Harries tại Cơ quan An ninh Y tế Anh đánh giá: “Các trường hợp mắc mới đang tăng nhanh khắp quốc gia với chủ yếu là biến thể Delta. Tuy số trường hợp nhập viện hoặc tử vong không tăng theo nhưng chúng ta cần tiếp tục giám sát chặt chẽ”.
Để xử lý tình trạng số ca nhiễm biến thể Delta tăng, Thủ tướng Anh Boris Johnson đang hướng đến đẩy mạnh chương trình tiêm vaccine COVID-19 để đến 19/7 tất cả người trưởng thành tại nước này được tiêm mũi đầu.
Ngày 18/6, bác sĩ Soumya Swaminathan-trưởng khoa học gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)- trong buổi họp báo tại Geneva đánh giá biến thể Delta có tính truyền nhiễm cao hơn 60% so với Alpha (B.1.1.7) được phát hiện lần đầu tại Anh. Biến thể Delta đã lây lan tại hơn 80 quốc gia. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đánh giá 10% ca mắc COVID-19 mới tại nước này liên quan đến biến thể Delta.