Đòn “ăn miếng trả miếng” thổi bùng căng thẳng
Rạng sáng 8/1, Iran đã phóng một loạt tên lửa trúng hai căn cứ không quân, nơi Mỹ và lực lượng liên quân đang đồn trú ở miền Tây Iraq. Ngày 9/1, các quả tên lửa khác tiếp tục được phóng về phía Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad (Iraq). Tuy nhiên, các quả tên lửa này đều trượt mục tiêu và rơi xuống một khu nhà gần đó.
Trong một tuyên bố ngay sau vụ tấn công bằng tên lửa được triển khai, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này “đã tiến hành và hoàn tất” các hành động đáp trả tương xứng nhằm vào Mỹ, sau vụ Lầu Năm Góc không kích sát hại Thiếu tướng Qasem Soleimani của nước này. Người đứng đầu ngành ngoại giao Iran khẳng định nước Cộng hòa Hồi giáo này không tìm cách leo thang căng thẳng hay chiến tranh, song sẽ luôn tự vệ trước mọi hành động gây hấn.
Đứng trước động thái trả đũa của Iran, phía Mỹ dường như cũng không muốn đẩy căng thẳng tới miệng hố chiến tranh. Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 9/1, Tổng thống Trump tỏ ý muốn xuống thang cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh rằng ông sẽ không đáp trả bằng quân sự sau khi không có ai thương vong trong vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào hai căn cứ. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng Washington sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt hơn đối với Tehran.
Ngày 10/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 8 quan chức hàng đầu của Iran mà Washington cáo buộc đang gây mất ổn định khu vực, đồng thời cũng trừng phạt hơn 10 nhà sản xuất kim loại hàng đầu tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong một diễn biến liên quan, chỉ vài giờ sau khi Iran tấn công các căn cứ Iraq, một chiếc máy bay thương mại chở theo 167 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Ukraine International Airlines (UAI) đã rơi tại vùng ngoại ô thủ đô Tehran.
Theo hãng tin AP, truyền hình nhà nước Iran ngày 11/1 dẫn tuyên bố của quân đội nước này cho biết hệ thống phòng không Iran đã bắn trúng máy bay mang số hiệu PS752 của hãng hàng không Ukraine cất cánh từ thủ đô Tehran, khiến toàn bộ 176 người trên chuyến bay thiệt mạng. Tuyên bố của Iran nêu rõ tại thời điểm bị bắn trúng, máy bay Ukraine đã bị nhầm là "mục tiêu đối thủ" sau khi bay qua một căn cứ quân sự nhạy cảm của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và sự cố trên là do lỗi con người. Iran khẳng định tất cả các bên chịu trách nhiệm về sự cố sẽ bị khởi tố.
Ngoại trưởng Zarif đã bày tỏ lời xin lỗi và chia buồn với gia đình các nạn nhân và các quốc gia bị ảnh hưởng, cho rằng sai lầm của con người đã xảy ra vào thời điểm có một cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ "chủ nghĩa phiêu lưu" của Mỹ.
Brexit vượt qua “cửa ải” Hạ viện
Với 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống, Hạ viện Anh ngày 9/1 (rạng sáng 10/1 theo giờ Việt Nam), đã thông qua Dự luật Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (WAB), mở đường để Brexit được thực hiện vào ngày 31/1 tới sau nhiều năm trì hoãn.
Bước tiếp theo, Dự luật WAB sẽ được trình lên Thượng viện để thông qua, nơi chỉ có thể trì hoãn song không có quyền bác bỏ hay đảo ngược kết quả bỏ phiếu của Hạ viện Anh. Sau khi được Thượng viện thông qua, Dự luật sẽ được trình lên Hoàng gia Anh phê chuẩn. Ngoài ra, Dự luật này còn phải được Nghị viện châu Âu (EC) thông qua mới có hiệu lực, chính thức trở thành luật để tạo cơ sở pháp lý cho Anh trở thành quốc gia đầu tiên rời khỏi EU.
Sau khi chính thức rời EU, Anh sẽ bước vào giai đoạn đàm phán thỏa thuận thương mại với EU trong thời kỳ chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, Anh sẽ vẫn là một thành viên của liên minh thuế quan và thị trường đơn nhất, tức là hoạt động thương mại vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, Anh sẽ rút khỏi các thể chế chính trị, cũng như không còn đại diện trong Nghị viên châu Âu và Hội đồng EU. Bên cạnh đó, công dân EU sẽ tiếp tục có thể tới Anh và làm việc, điều ngược lại cũng được áp dụng với công dân Anh.
Dự luật Brexit được coi là chiến thắng chính trị lớn của Thủ tướng Boris Johnson, người coi việc hiện thực hóa cuộc "ly hôn" của Anh và EU vào ngày 31/1 là nhiệm vụ hàng đầu của mình.
Việc Hạ viện Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit đã chấm dứt một thời kỳ hỗn loạn đầy kịch tính về chính trị, với sự ra đi của hai chính phủ và khiến đất nước được mệnh danh là "xứ sở sương mù" bị chia rẽ.