Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc điện đàm
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/7 đã có cuộc điện đàm và trao đổi thẳng thắn về quan hệ song phương cùng các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Cuộc điện đàm diễn ra sau hội nghị trực tuyến giữa hai nhà lãnh đạo vào ngày 18/3 và một loạt các cuộc thảo luận giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc.
Theo Tân Hoa Xã, tại cuộc điện đàm, ông Tập Cận Bình cho rằng trong bối cảnh thế giới đầy biến động, cộng đồng quốc tế và nhân dân các nước đều kỳ vọng Trung Quốc và Mỹ sẽ phát huy vai trò hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, an ninh thế giới và thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu. Ông Tập cũng nhấn mạnh việc nhìn nhận và định nghĩa quan hệ Trung - Mỹ từ góc độ cạnh tranh chiến lược; việc coi Trung Quốc là đối thủ quan trọng nhất và thách thức lâu dài nhất là đánh giá sai về quan hệ Trung - Mỹ và hiểu sai về sự phát triển của Trung Quốc. Hai bên cần duy trì liên lạc các cấp, tận dụng tốt các kênh thông tin hiện có, thúc đẩy hợp tác song phương.
Nhận thức được nhiều thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Mỹ và Trung Quốc cần duy trì liên lạc về các vấn đề quan trọng như phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như bảo vệ an ninh năng lượng và lương thực toàn cầu. Theo ông Tập, nỗ lực tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng bất chấp các quy luật cơ bản sẽ không giúp thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và sẽ chỉ làm cho nền kinh tế thế giới dễ bị tổn thương hơn.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lưu ý hai bên cần làm việc để xác định các điểm nóng trong khu vực, đối phó đại dịch COVID-19 trên thế giới càng sớm càng tốt, giảm nguy cơ lạm phát đình trệ và suy thoái, đồng thời bảo vệ hệ thống và luật pháp quốc tế với nền tảng là Liên hợp quốc.
Nhân dịp này, ông Tập Cận Bình cũng kêu gọi Mỹ tôn trọng nguyên tắc "Một Trung Quốc và thực hiện ba thông cáo chung Trung - Mỹ cả bằng lời nói và hành động".
Về phần mình, thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ, cuộc điện đàm lần này là phần trong nỗ lực của Chính quyền Biden nhằm duy trì và củng cố đường dây liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời quản lý một cách có trách nhiệm những khác biệt giữa hai bên cũng như cùng hợp tác trong những lĩnh vực có chung lợi ích.
Về vấn đề Đài Loan, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng chính sách của Mỹ không thay đổi và Washington phản đối các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng hoặc phá hoại hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan.
Trước cuộc điện đàm, các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Biden đang cân nhắc xem có nên dỡ bỏ một số thuế quan từ thời Chính quyền của ông Donald Trump đối với Trung Quốc nhằm giảm lạm phát hay không.
Theo CNN, đây là cuộc điện đàm thứ 5 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kể từ tháng 2/2021. Điều này cũng mở ra cơ hội cho một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 tới, khi một loạt hội nghị cấp cao sẽ diễn ra ở châu Á - bao gồm hội nghị G20 ở Bali, Indonesia và Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Bangkok, Thái Lan. Những người am hiểu với vấn đề này cho biết các quan chức Mỹ đang tìm cách sắp xếp một cuộc gặp trực tiếp như vậy bên lề một trong những hội nghị thượng đỉnh trên.
IMF cảnh báo kinh tế thế giới bên bờ vực suy thoái
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 26/7 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời cảnh báo những rủi ro do lạm phát leo thang và cuộc xung đột ở Ukraine có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực suy thoái.
Trong báo cáo cập nhật "Triển vọng kinh tế thế giới", IMF đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 3,2%, so với mức dự báo 3,6% mà tổ chức này đã đưa ra hồi tháng 4. IMF cho biết GDP toàn cầu thực sự giảm trong quý II do suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Nga. IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 từ mức 3,6% đưa ra hồi tháng 4 xuống 2,9% do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt.
IMF lưu ý các dự báo mới nhất của họ “cực kỳ không chắc chắn” và có thể tiếp tục giảm do cuộc xung đột Nga - Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực leo thang. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn lạm phát và sẽ thúc đẩy thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Theo dự báo của IMF, tỉ lệ lạm phát trong năm 2022 ở các nền kinh tế phát triển sẽ lên tới 6,6%, tăng so với mức dự đoán 5,7% đưa ra hồi tháng 4. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển hiện được dự báo lên tới 9,5% năm 2022, tăng so với dự báo 8,7% đưa ra hồi tháng 4.
IMF cho rằng các rủi ro đối với triển vọng kinh tế thế giới hiện nay bao gồm: Cuộc xung đột ở Ukraine có thể dẫn đến việc khí đốt của Nga xuất sang châu Âu bị dừng đột ngột; Lạm phát có thể vẫn ở mức cao nếu thị trường lao động vẫn quá thắt chặt, hoặc giảm phát gây thiệt hại hơn dự kiến; Việc thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu có thể làm gia tăng tình trạng nợ quá mức ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển; Các đợt bùng phát dịch COVID-19 mới và việc phong tỏa có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc hơn nữa; Giá lương thực và năng lượng tăng có thể dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực trên diện rộng và gây bất ổn xã hội; Sự phân chia địa chính trị có thể cản trở thương mại và hợp tác toàn cầu.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas nói: “Triển vọng trở nên u ám hơn kể từ tháng 4 năm nay. Thế giới có thể sẽ sớm đứng bên bờ vực suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần đây nhất”. Ông nói thêm: “Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm Mỹ, Trung Quốc và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang đình trệ, gây ra những hậu quả đáng kể cho triển vọng toàn cầu".
Ông Gourinchas nhấn mạnh viễn cảnh kinh tế thế giới đã trở nên u ám hơn. Thế giới có thể sẽ sớm chao đảo bên bờ vực suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, hợp tác đa phương sẽ là chìa khóa quan trọng trong nhiều lĩnh vực, từ chống biến đổi khí hậu và chuẩn bị cho đại dịch đến an ninh lương thực. Trong bối cảnh có nhiều thách thức và xung đột lớn, tăng cường hợp tác vẫn là cách tốt nhất để cải thiện triển vọng kinh tế và giảm thiểu nguy cơ phân mảnh địa kinh tế.