Thảm kịch đẩy Beirut đến bờ vực thẳm
Tuần qua, thủ đô Beirut (Liban) vừa trải qua vụ nổ như "bom nguyên tử" trong bối cảnh quốc gia này còn đang điêu đứng vì những bất ổn triền miên.
Cụ thể, ngày 4/8, vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beirut đã làm chấn động khắp thủ đô của Liban và toàn khu vực. Khắp nơi là cảnh tượng hoang tàn với những đống đổ nát, nhà cửa và phương tiện bị hư hỏng nặng nề do sức công phá của vụ nổ tương đương một trận động đất có độ lớn 4,5.
Bốn ngày sau thảm họa, Bộ Y tế Liban thông báo trên 150 người thiệt mạng và ít nhất 5.000 người khác bị thương. Trên 60 người vẫn đang mất tích và nỗ lực giải cứu vẫn diễn ra. Với sự hỗ trợ của các thiết bị hạng nặng, các nhân viên cứu hộ đến từ Pháp, Đức, Italy, Nga đã phối hợp tìm kiếm các nạn nhân.
Giới chức nước này đã kêu gọi các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ xây dựng bệnh viện dã chiến và cung cấp vật tư y tế, thuốc men do hệ thống y tế hiện tại - vốn phải "gồng mình" đối phó với làn sóng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-18 và cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng – đã không thể tiếp nhận thêm các nạn nhân trong vụ nổ.
Beirut dự kiến có khoảng 300.000 người tạm thời không có nơi trú ẩn và ước tính tổng thiệt hại sau vụ nổ có thể lên tới 10 đến 15 tỷ USD.
Đã xuất hiện nhiều giả thiết liên quan đến nguyên nhân vụ nổ. Theo kết quả điều tra sơ bộ, trong quá trình hàn tại một nhà kho của cảng, các tia lửa đã bắn sang ngòi pháo được cất giữ gần nhà kho, dẫn tới làm nổ 2.750 tấn amoni nitrat - một loại hóa chất thường được sử dụng làm phân bón hay chất nổ. Số hóa chất này là một lô hàng từ một tàu vận tải bị bỏ rơi và lưu kho cảng Beirut chờ được xử lý từ năm 2014.
Chính phủ Liban đã thành lập ủy ban điều tra để xác định đối tượng chịu trách nhiệm về vụ nổ. Trước đó, Beirut đã quyết định hình thức quản thúc tại nhà đối với tất cả các quan chức phụ trách giám sát kho và an ninh tại cảng Beirut. Sau quá trình thẩm vấn, giới chức Liban đã bắt giữ 16 người. Đề cập tới khả năng bị tấn công, Tổng thống Liban Michel Aoun cho biết nguyên nhân vụ nổ ở cảng Beirut là do hành động bất cẩn, tắc trách, hoặc cũng có thể do một vụ tấn công tên lửa.
Các chuyên gia nhận định vụ nổ tại cảng Beirut sẽ tạo ra thảm họa nhân đạo cho Liban. Cảng chính của đất nước và tất cả những gì đang lưu kho đều bị phá hủy, trong khi chính phủ cũng hoàn toàn không có kinh phí để khôi phục những gì đã mất, Liban gần như “rơi vào vực thẳm”.
Người phát ngôn của Chương trình Hỗ trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông thuộc Liên hợp quốc – bà Tamara Alrifai đánh giá: “Đó là một cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, chính trị, y tế và giờ là vụ nổ khủng khiếp”. Người dân Liban rất phẫn nộ khi bị đẩy vào cảnh khốn khó bởi một sự cố hoàn toàn có thể tránh được.
Tuy nhiên, trái ngược với sự tuyệt vọng khi chứng kiến thảm họa nối tiếp thảm họa, một số nhà phân tích cho rằng sự kiện lần này có thể là yếu tố được chờ từ lâu để thay đổi tầng lớp chính trị quản lý yếu kém và tồn tại vấn nạn tham nhũng trong nhiều năm. Các chuyên gia bày tỏ chặng đường đến với thay đổi sẽ mất nhiều năm bất ổn rồi mới đạt được đích.
Giá vàng thế giới xô đổ mọi kỷ lục
Tuần qua, thị trường giao dịch thế giới chứng kiến giá vàng tăng 2,1% so với tuần trước trong bối cảnh kim loại quý này được coi là tài sản an toàn.
Sau khi phá vỡ ngưỡng 2.000 USD/ounce lần đầu tiên trong phiên 4/8, giá vàng giao ngay có thời điểm đạt mức kỷ lục mới là 2.055,10 USD/ounce trong phiên 5/8.
Trong phiên giao dịch ngày 6/8, giá vàng thế giới tiếp tục xác lập kỷ lục mới nhờ kỳ vọng về các biện pháp kích thích mới. Giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.055,87 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên mức cao kỷ lục 2.069,21 USD/ounce.
Các nhà phân tích nhận định triển vọng giao dịch vàng vẫn tươi sáng và giá kim loại quý này có khả năng tiếp tục tăng.
Chỉ ra nguyên nhân giá vàng tăng phi mã, liên tiếp phá vỡ mọi kỷ lục, các chuyên gia cho rằng tính ổn định và "miễn nhiễm" trước lạm phát của kim loại quý, giá đồng USD sụt giảm, hàng loạt gói kích thích kinh tế và thậm chí sự quan tâm của giới truyền thông đã tiếp đà cho thị trường vàng tăng mạnh.
Theo ông Ivan Feinset - nhà đầu tư trưởng tại tập đoàn Tigress Financial Partners, nhu cầu về vàng thường tăng vọt trong thời kỳ xuất hiện khủng hoảng, bất trắc. Với việc Mỹ lâm vào suy thoái kinh tế sâu, hàng chục triệu người mất việc, đại dịch COVID-19 lây lan không kiểm soát, giới đầu tư đang hướng đến một loại tài sản tồn tại mãi mãi.