Thương chiến Mỹ-Trung bước vào vòng đối đầu mới
Hãng tin Reuters đưa tin từ 11 giờ 1 phút ngày 1/9 (theo giờ Việt Nam), Mỹ và Trung Quốc đã chính thức áp đặt bổ sung thêm thuế quan lên hàng hóa của nhau. Đây là động thái leo thang căng thẳng mới nhất bất chấp việc vòng đàm phán tiếp theo giữa hai nước bắt đầu vào tháng 10.
Theo đó, Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thế 15% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tổng trị giá 125 tỷ USD, trong đó có loa thông minh, tai nghe hồng ngoại Bluetooth và nhiều loại giày dép. Về phía Trung Quốc, nước này bắt đầu áp các mức thuế bổ sung 5% và 10% đối với 1.717 mặt hàng của Mỹ. Trung Quốc cũng áp thuế 5% đối với dầu thô của Mỹ. Các nhà kinh tế tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson có trụ sở tại Washington ước tính, 112 tỷ USD giá trị hàng hóa sẽ bị ảnh hưởng bởi đợt tăng thuế này.
Sau một ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đã kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước mình. Bộ này cho rằng các hành động áp thuế mới nhất của Mỹ đã vi phạm sự đồng thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ tại cuộc gặp ở Osaka (Nhật Bản). Tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền hợp pháp của mình theo các quy định của WTO.
Ngày 5/9, các trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí tiến hành vòng đàm phán thương mại và kinh tế cấp cao lần thứ 13 vào đầu tháng 10 tới tại Washington. Trước vòng đàm phán vào tháng 10 tới, phái đoàn thương mại hai nước sẽ tiến hành các cuộc tham vấn vào giữa tháng 9.
Theo nhận định của Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vào đầu tháng 10 tại Washington có thể "nóng lên" và kết quả sẽ khó dự đoán.
Trong khi đó, các chuyên gia lại cho rằng đàm phán trong bối cảnh các lời hứa bị phá vỡ dường như khó đem lại kết quả lạc quan. Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy một trong hai bên sẽ thay đổi những lập trường đã gây ra sự bế tắc hồi tháng 5 để cùng nhau tìm được sự hòa hợp.
Thất bại "kép" của Thủ tướng Anh
Ngày 4/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã kêu gọi tổ chức một cuộc tổng tuyển cử vào ngày 15/10, nói rằng đó là cách duy nhất để đưa nước Anh ra khỏi tình thế bế tắc về Brexit. Tuy nhiên, Quốc hội Anh đã đánh bại ông Johnson liên tiếp trong vòng 2 ngày và bác bỏ bản kiến nghị tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Cụ thể, Thủ tướng Johnson đã không đạt được đủ số phiếu cần thiết tại Hạ viện để tiến hành bầu cử trước thời hạn. 298 nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ bầu cử sớm trong khi 56 nghị sĩ bỏ phiếu chống. Tuy nhiên, ông Johnson cần ít nhất 434 phiếu ủng hộ để có thể tiến hành tổng tuyển cử sớm.
Chủ tịch Hạ viện Anh Jacob Rees-Mogg thông báo các nghị sỹ Anh vào ngày 9/9 tới sẽ tiếp tục tiến hành một cuộc bỏ phiếu khác về đề nghị có nên tổ chức cuộc bầu cử sớm hay không.
Về thỏa thuận Brexit, ngày 6/9, Thượng viện Anh đã thông qua dự luật nhằm ngăn chặn kịch bản Brexit không thỏa thuận vào cuối tháng 10. Dự luật sẽ buộc Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại liên minh thêm 3 tháng đến ngày 31/1/2020 trong trường hợp Quốc hội Anh không thông qua được một thỏa thuận Brexit hoặc đồng ý một Brexit không thỏa thuận vào ngày 19/10.
Trước đó, Hạ viện Anh cũng đã thông qua dự luật trên mà không cần một cuộc bỏ phiếu chính thức ở giai đoạn cuối. Động thái của Hạ viện được xem là nỗ lực nhằm ngăn chặn Brexit không thỏa thuận, bởi từ khi nhậm chức Thủ tướng Anh 6 tuần trước, ông Boris Johnson đã nhiều lần tuyên bố kiên quyết đưa nước Anh ra khỏi EU vào ngày 31/10/2019 dù có thỏa thuận hay không.
Chứng kiến thất bại liên tiếp, Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố ông "thà chết" chứ không trì hoãn kế hoạch Brexit.
Hiện nhà lãnh đạo Anh cũng nhận một đòn giáng khác sau khi em trai của ông là Jo Johnson tuyên bố từ chức Quốc vụ khanh Bộ Kinh doanh. Ông Jo Johnson là người kiên quyết phản đối Brexit. Động thái này gây thêm một tổn thất mới đối với phe Bảo thủ cầm quyền sau khi phe này đã mất thế đa số tại Hạ viện.