Tờ Straits Times (Singapore) đánh giá việc chưa đạt được kết quả đáng kể cũng dễ hiểu bởi đây không phải cuộc đàm phán cấp cao. Đoàn đại biểu Trung Quốc đến Washington do Thứ trưởng Bộ Thương mại Vương Thụ Văn dẫn đầu trong khi phía Mỹ là Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế David Malpass.
Tại một sự kiện ở Kentucky ngày 22/8, chính Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng thừa nhận không hề mong đợi về kết quả đột phá từ cuộc đàm phán này.
Ngày 23/8, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Lindsay Walters xác nhận: “Chúng tôi đã hoàn tất hai ngày đàm phán với Trung Quốc và trao đổi quan điểm về phương pháp đạt được cân bằng, không gian lận và tương hỗ trong mối quan hệ kinh tế…”.
Trong phiên giao dịch ngày 23/8, các chỉ số chính của Phố Wall đều theo đà giảm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 0,3%, trong khi S&P 500 cũng đi xuống 0,17% và Nasdaq Composite tụt 0,13%.
Cùng ngày 23/8, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng thông báo áp dụng mức thuế bổ sung với hàng hóa trị giá hàng tỷ USD của nhau.
Mỹ tuyên bố mức thuế mới với 16 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc như máy móc, kim loại… Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc lập tức đánh tiếng sẽ “duy trì các biện pháp đáp trả cần thiết”. Trung Quốc còn khẳng định nộp đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về động thái tăng thuế mà các quan chức Mỹ nhận là “câu trả lời” cho tập quán thương mại bất công của Bắc Kinh.
Trong khi đó, Mỹ cho biết đang cân nhắc mức thuế bổ sung với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều này khiến cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng thêm dai dẳng. Các nhà phân tích đều cho rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ không sớm nhượng bộ, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11 tại Mỹ.
Cuộc chiến Thương mại Mỹ-Trung đã nổ phát súng đầu tiên vào tháng 7 khi Washington tăng 25% thuế lên hàng hóa nhập khẩu trị giá 34 tỷ USD từ Bắc Kinh. Trung Quốc đã “giãy nảy” trước quyết định của Mỹ và tuyên bố đáp trả.
Nhà bình luận kinh tế Hu Xingdou nhận xét: “Nếu cuộc chiến tranh thương mại kết thúc sớm, tôi cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ chịu tác động nhẹ. Nhưng nếu cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, từ 50 tỷ USD lên 200 tỷ USD hay 500 tỷ USD thì sự tự tin của Trung Quốc sẽ bị “tổn thương” khá lớn”.
Trong khi đó, hãng Al Jazeera nhận xét mức thuế mới của Mỹ có hiệu lực vào đúng thời điểm kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn. Mức tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại, trong khi người tiêu dùng bắt đầu hướng đến thắt chặt chi tiêu.
Thị trường chứng khoán và đồng tiền nội địa Trung Quốc đã cảm nhận rõ tác động từ chiến tranh thương mại. Đơn cử như chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã tụt 23% so với thời điểm cao nhất trong tháng 1. Kênh CNN (Mỹ) cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do các nhà đầu tư lo ngại về “sức khỏe” kinh tế Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.
Kể từ tháng 4, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng giảm 9% so với đồng bạc xanh USD của Mỹ. Mặc dù đồng nhân dân tệ thấp tạo điều kiện để hàng xuất khẩu Trung Quốc có giá thành rẻ hơn nhưng Bắc Kinh vẫn quan ngại và cần trợ giá đồng nội tệ này để các nhà đầu tư bớt lo lắng.
Ngân hàng DBS tại Singapore dự đoán rằng đến năm 2019, một cuộc chiến tranh thương mại toàn lực có thể làm “bay biến” 0,25% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả Mỹ và Trung Quốc.