Nguy cơ chiến tranh tiền tệ Mỹ-Trung
Để đối phó với loạt chính sách thuế bổ sung của Mỹ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang, giới chức Trung Quốc đã hạ giá đồng Nhân dân tệ (NDT). Sáng 5/8, Trung Quốc cho phép đồng NDT mất giá 2%, xuống ngưỡng trên 7 NDT đổi được 1 USD, mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây. Quyết định của Trung Quốc đã gây ra làn sóng bán tháo ồ ạt cổ phiếu trên thị trường Phố Wall.
Ngay lập tức, chiều cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng NDT.
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, nêu rõ: "Điều này được gọi là sự thao túng tiền tệ. Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng, vốn sẽ làm suy yếu đáng kể đến Trung Quốc qua thời gian".
Phản ứng trước cáo buộc từ phía Mỹ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) ngày 6/8 tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Washington, cho rằng Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng NDT để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo tuyên bố của PBOC, việc coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo các doanh nghiệp nước này đã ngừng mua nông sản của Mỹ, đồng thời Bắc Kinh không loại trừ khả năng áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với nông sản của Washington được đặt mua sau ngày 3/8.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Trump tuyên bố lập trường cứng rắn của ông đối với hành vi của Trung Quốc. Ngày 9/8, ông chủ Nhà Trắng khẳng định ở thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc.
Theo kênh CNN, cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia đang vượt khỏi tầm kiểm soát và ngày một đáng sợ hơn, nghiêm trọng hơn đến mức khó có thể đảo ngược. “Nguy cơ mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có thể gây ra là kinh tế phát triển chậm hoặc thậm chí là suy thoái. Chúng ta đang có một tình huống thương mại đi trật khỏi đường ray. Chính sách sử dụng thuế quan như một công cụ đối phó với Trung Quốc đã hoàn toàn thất bại", Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Tập đoàn Tư vấn Tài chính Bleakley, viết trong một thông báo cho khách hàng hôm 5/8.
Giới phân tích lo ngại diễn biến tiêu cực trong tuần vừa qua hoàn toàn có thể bùng phát thành “cuộc chiến tiền tệ” mang nguy cơ gây khủng hoảng không nhỏ, đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong dài hạn.
Báo Los Angeles Times dẫn ý kiến chuyên gia khẳng định nếu Mỹ và Trung Quốc thực sự dấn thân vào cuộc chiến tiền tệ, hàng loạt nền kinh tế thế giới sẽ bị vạ lây. Cụ thể bên phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất từ xung đột này chính là châu Âu và Nhật Bản.
Tranh chấp Kashmir leo thang
Tuần qua dư luận quốc tế chứng kiến nấc thang mới trong căng thẳng ngoại giao gần đây giữa Pakistan và Ấn Độ do liên quan đến quyết định New Delhi hủy bỏ quy chế đặc biệt đối với phần lãnh thổ do nước này kiểm soát tại khu vực tranh chấp Kashmir.
Ngày 5/8, chính phủ Ấn Độ công bố sắc lệnh bãi bỏ điều Điều 370 trong Hiến pháp quy định quy chế đặc biệt đối với bang Jammu và Kashmir, đồng thời đưa ra dự luật tách bang này thành 2 vùng lãnh thổ liên bang gồm Ladakh cùng Jammu và Kashmir. Ấn Độ cũng đã triển khai hơn 40.000 binh sĩ bán vũ trang ở Jammu và Kashmir, đồng thời đặt các lực lượng quân sự trong tình trạng báo động cao và ra lệnh giới nghiêm đối với người dân tại đây.
Đây được coi quyết định chính trị có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với khu vực Kashmir tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan trong gần 7 thập kỷ qua.
Hai ngày sau, Pakistan quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao, đình chỉ thương mại song phương với Ấn Độ và đưa vấn đề này ra Liên hợp quốc. Không chỉ vậy, Islamabad tuyên bố sẽ đình chỉ dịch vụ đường sắt kết nối với Ấn Độ. Chính phủ Pakistan còn quyết định cấm chiếu các bộ phim Ấn Độ tại các rạp chiếu phim của nước này.
Tuy nhiên, phía Islamabad khẳng định sẽ không tìm giải pháp quân sự cho vấn đề Kashmir. Trong một bức thư gửi người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Pakistan Imran Khan bày tỏ mong muốn đối thoại giải quyết tất cả các vấn đề có thể hòa giải,
Ngày 8/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi tất cả các bên liên quan kiềm chế tối đa trong những bước đi có thể làm ảnh hưởng tới hiện trạng Jammu và Kashmir.
Hiện Kashmir - có đa số người theo đạo Hồi sinh sống - được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.