Taliban giành kiểm soát, các nước chạy đua giải cứu
Ngày 15/8, phong trào Taliban tiến vào thủ đô Kabul của Afghanistan sau khi lần lượt “hạ gục” những thành phố trọng yếu khác. Thông tin này đã khiến dư luận thế giới sửng sốt. Bởi không ai, kể cả tình báo Mỹ, có thể lường trước việc Taliban giành được chiến thắng nhanh gọn sau 11 ngày như vậy. Bộ Nội vụ Afghanistan thông báo lực lượng Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul từ mọi phía, trong khi các tay súng được lệnh kiềm chế gây ra bạo lực tại thủ đô Kabul, mở đường thoát an toàn cho bất cứ ai lựa chọn rời đi.
Ngay sau đó, Tổng thống Ashraf Ghani đã chọn cách từ chức và ra nước ngoài lánh nạn để tránh gây đổ máu. Cùng lúc này, các cơ quan đại diện nước ngoài ở Kabul đồng loạt phát cảnh báo khẩn cấp về an ninh, đóng cửa đại sứ quán, đồng thời yêu cầu công dân của họ rời khỏi Kabul ngay lập tức.
Bộ Ngoại giao Canada thông báo tạm ngừng hoạt động của cơ quan đại diện ngoại giao nước này tại Kabul và các nhân viên ngoại giao đang trên đường quay về nước trong bối cảnh tình hình chuyển biến phức tạp. Đại sứ quán Đức và Nhật Bản tại Kabul cũng thông báo đóng cửa. Duy chỉ có Đại sứ quán Nga tại Afghanistan không nhận thấy bất kỳ mối đe dọa nào nên không cần phải sơ tán ngay lập tức.
Tiếp sau tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh tại Afghanistan, sáng 16/8, người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban, ông Mohammad Naeem khẳng định phong trào này không muốn bị cô lập, đồng thời bày tỏ hy vọng thiết lập các mối quan hệ với cộng đồng quốc tế. Theo đó, Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã yêu cầu Taliban kiềm chế tối đa ở Afghanistan, cũng như đặc biệt quan ngại về tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở quốc gia Nam Á này. Ông bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Taliban khi biết rõ sẽ đối thoại với ai và với mục đích gì. Hiện các quan chức của LHQ tại thủ đô Kabul của Afghanistan đang duy trì kênh liên lạc chặt chẽ với Taliban.
Trước tình hình phần lớn cửa khẩu biên giới đều bị Taliban canh giữ, sân bay Kabul trở thành “cửa thoát hiểm” duy nhất. Trong ngày 16/8, hàng ngàn dân thường đã kéo về đây để tìm cách trốn chạy khỏi Afghanistan và Taliban. Đám đông tuyệt vọng đứng chật kín đường băng, tìm cách lên máy bay để ra nước ngoài.
Lực lượng Mỹ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh cho sân bay buộc phải bắn chỉ thiên nhiều lần để cảnh cáo đám đông mất kiểm soát. Hãng tin Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết đã nhìn thấy có ít nhất 5 thi thể được chuyển ra xe, không rõ thiệt mạng do trúng đạn hay bị giẫm đạp bởi đám đông chen lấn. Mọi chuyến bay thương mại đến và đi từ Kabul đều bị huỷ vì mối đe doạ an ninh. Tình hình tại sân bay Kabul hiện vẫn chưa được ổn định. Một quan chức của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông báo hơn 18.000 người đã được sơ tán khỏi thủ đô Kabul kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát hôm 15/8, đồng thời cam kết tổ chức này sẽ đẩy nhanh nỗ lực sơ tán.
Ngày 17/8, Mỹ nêu điều kiện để công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan rằng lực lượng phải tôn trọng quyền của phụ nữ và không tham gia những phong trào cực đoan như tổ chức Al-Qaeda. Trong phản ứng của mình, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cùng ngày cho biết đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phối hợp để ngăn chặn nguy cơ Afghanistan bị sử dụng làm căn cứ cho các nhóm khủng bố.
Trong cuộc họp báo đầu tiên, người phát ngôn phong trào Taliban Zabihullah Mujahid đưa ra nhiều cam kết cho đất nước Afghanistan trong tương lai nằm dưới sự lãnh đạo của Taliban. Theo đó, các quyền của phụ nữ phù hợp với luật Hồi giáo sẽ được tôn trọng, trẻ em được đi học; đồng thời ân xá cho tất cả kẻ thù, trong đó có các cựu binh sĩ hay quan chức chính quyền cũ được phương Tây hậu thuẫn; các nhà thầu, phiên dịch viên làm việc cho các lực lượng quốc tế sẽ không bị truy cứu trách nhiệm.
Ngày 19/8, Taliban đã tuyên bố thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (Islamic Emirate of Afghanistan) chỉ 4 ngày sau khi lực lượng này nắm quyền kiểm soát Kabul và phần lớn lãnh thổ Afghanistan. Tối cùng ngày, thủ lĩnh kiêm người đồng sáng lập Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar đã từ Doha, Qatar trở về Afghanistan. Dư luận cho rằng ông Baradar nhiều khả năng sẽ là Tổng thống tới đây ở Afghanistan. Một người phát ngôn của Taliban ngày 21/8 cho biết lực lượng này dự kiến công bố cơ cấu chính phủ mới cho Afghanistan trong vài tuần tới. Về tình hình hỗn loạn tại sân bay Kabul, người phát ngôn của Taliban khẳng định không phải do lực lượng này gây nên và lẽ ra các nước “nên có kế hoạch tốt hơn” để sơ tán công dân.
Số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng vọt
Tuần qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận những dấu mốc kỷ lục đáng buồn và lo ngại trong chiến dịch chống COVID-19. Bất chấp các biện pháp phòng ngừa và tỷ lệ tiêm vaccine đang tăng lên, biến thể Delta với khả năng lây lan dễ dàng hơn đã làm bùng lên số ca mắc mới và tử vong trên phạm vi toàn cầu, xô đổ những kỷ lục trước đó.
Theo cập nhật của trang worldometers.info, tính đến 16h chiều 21/8 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới có 211.620.539 người mắc COVID-19, số người tử vong là 4.429.426.
Số ca mắc hàng ngày đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, đặc biệt ở Mỹ, Anh, Indonesia và Brazil. Mỹ một lần nữa trở thành quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới khi có đến 151.000 trường hợp trong ngày 20/8. Ở những điểm nóng COVID-19, số ca tử vong cũng leo thang đáng báo động. Trong hai tuần qua, người tử vong sau mắc COVID-19 ở Mỹ đã tăng gấp đôi và tăng đều tại 42 bang.
Đứng đầu khu vực châu Âu về số ca mắc mới trong 24 giờ, Nga vừa ghi nhận số người tử vong hàng ngày cao nhất (815 người) hai ngày liên tiếp, trong bối làn sóng lây nhiễm thứ ba vẫn tiếp diễn bất chấp những nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng của chính quyền.
Tại châu Á, Philippines ngày 20/8 cũng ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao kỷ lục của 4 tháng qua, đồng thời cảnh báo xu hướng này sẽ kéo dài do chính sách nới lỏng giới hạn tại vùng thủ đô để khôi phục hoạt động kinh tế. Với hơn 1.8 triệu ca mắc và 31.198 ca tử vong, Philippines là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi COVID-19 tại châu Á.
Số ca tử vong ở người chưa tiêm chủng tại Indonesia cũng tăng gấp 3 lần so với người đã tiêm chủng. Ngày 18/8, quốc gia là tâm dịch châu Á này đã cán mốc 100.000 người thiệt mạng vì COVID-19. Tỷ lệ trẻ em nhập viện và tử vong vì COVID-19 tại hai điểm nóng Indonesia và Mỹ cũng ở mức cao chưa từng thấy.
Đối phó với biến thể Delta nguy hiểm, hàng loạt quốc gia châu Á phải quyết định kéo dài hoặc tái phong tỏa nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng dịch mới. Ngày 20/8, chính quyền bang New South Wales (NSW) của Australia thông báo gia hạn lệnh phong tỏa Sydney và siết chặt các hạn chế phòng dịch COVID-19 ở một số điểm nóng trong thành phố lớn nhất cả nước này sau khi ghi nhận 644 ca mắc mới và 4 ca tử vong tại đây trong 24 giờ qua.
Cũng trong ngày 20/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc thêm 4 ngày sau một đợt bùng phát dịch COVID-19 do biến thể Delta gây ra ở ngoại ô Auckland - thành phố lớn nhất cả nước.
Đã nhiều ngày liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca mắc mới ở mốc quanh 20.000 ca/ngày. So với tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm. Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều tình hình dịch bệnh.
Đáng chú ý, sau nhiều tuần dài trì hoãn lại lời kêu gọi áp dụng lệnh phong toả, ngày 21/8, Sri Lanka thông báo phong toả toàn quốc trước sức ép căng thẳng từ giới chuyên gia y tế. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa nhất trí phong toả trong 10 ngày sau khi nhận thấy hệ thống bệnh viện không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân COVID-19.