Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung Quốc
Sáng 16/11 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã kết thúc chương trình họp trực tuyến dài hơn 3 tiếng đồng hồ bằng việc nhất trí rằng họ cần phải hành động thận trọng khi hai bên chìm sâu một cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Được dư luận thế giới theo dõi sát, đây là cuộc hội đàm chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1 năm nay. Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden - từ Phòng Đông ở Đại lễ đường Nhân dân và Phòng Roosevelt ở Nhà Trắng - đã thể hiện quyết tâm xuống thang căng thẳng trong mối quan hệ quan trọng nhất đối với cả hai bên, cũng như đặt mục tiêu phát triển quan hệ theo hướng cạnh tranh lành mạnh.
“Như tôi đã nói trước đây, đối với tôi, trách nhiệm của chúng tôi với tư cách là các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Mỹ là đảm bảo rằng sự cạnh tranh giữa hai nước không trở thành xung đột, cho dù có chủ đích hay ngoài ý muốn”, Tổng thống Biden phát biểu khai mạc cuộc họp.
Theo hãng tin AP, mặc dù Nhà Trắng chỉ đặt kỳ vọng thấp và cuộc họp không đưa ra tuyên bố quan trọng hay bất kỳ tuyên bố chung nào, nhưng giới chức Mỹ khẳng định nguyên thủ của hai nước đã có buổi trao đổi thực chất.
Ông Tập Cận Bình đã chào đón ông Joe Biden như “người bạn cũ” của mình, đồng thời lặp lại tinh thần hạ nhiệt của người chủ trì phía Washington khi khẳng định Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường trao đổi và hợp tác.
Trước sự chứng kiến của một số quan chức chủ chốt ở hai nước, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi lập trường xung quanh vấn đề cạnh tranh mạnh mẽ giữa hai nước về công nghệ và chính sách công nghiệp, trong khi vẫn nỗ lực bảo đảm tránh nguy cơ xảy ra xung đột quân sự. Hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về những mâu thuẫn, trong đó có vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác, bao gồm không phổ biến vũ khí hạt nhân và biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc khẳng định hai nước cần tôn trọng nhau, cùng tồn tại trong hòa bình, theo đuổi hợp tác cùng có lợi và giải quyết tốt các vấn đề nội địa trong lúc gánh vác trách nhiệm quốc tế. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden nêu rõ hai nước cần đảm bảo rằng quan hệ song phương không đi vào con đường xung đột.
Mối quan hệ giữa hai cường quốc này đã không ngừng tăng nhiệt kể từ khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng. Ông lập tức lên án Bắc Kinh về các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tây Bắc nước này, hay như đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ ở Hong Kong, vấn đề ở Đài Loan… Trong khi đó, phía Bắc Kinh công kích Nhà Trắng rằng đã can thiệp sâu vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg nhận định so với vài tháng trước, cuộc họp thượng đỉnh giữa ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình đã đưa quan hệ Mỹ-Trung vào một điểm tựa ổn định hơn. Tờ The New York Times cũng có quan điểm tương tự, khi cho rằng hai nhà lãnh đạo đều thể hiện sự sẵn sàng tìm kiếm biện pháp tránh xảy ra xung đột để xử lý những khác biệt giữa hai cường quốc. Chỉ riêng điểm này đã có thể làm giảm khả năng xảy ra va chạm lớn giữa quan hệ hai nước trong năm nay.
Khủng hoảng di cư Belarus - Ba Lan
Tình trạng căng thẳng đã kéo dài ở khu vực biên giới Ba Lan và Belarus sau khi các quan chức Ba Lan cáo buộc Minsk giúp người di cư di chuyển về phía biên giới, nhằm đáp trả việc Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tình hình chính trị tại nước này.
Trong khi đó, phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm về những diễn biến này vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh
Hãng thông tấn AFP đưa tin nhiều tuần gần đây, trong thời tiết lạnh giá, hàng ngàn người di cư phần lớn tới từ Iraq và Afghanistan chấp nhận sống cảnh “màn trời chiếu đất” ngay tại đường biên giới Ba Lan nhằm để vào được lãnh thổ của EU. Dù đã có hàng rào bằng dây thép gai, nhưng số lượng người di cư tìm cách vượt qua khu vực biên giới Ba Lan vẫn không ngừng tăng lên. Trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng biên phòng
Ba Lan đã ngăn chặn hơn 9.000 người tìm cách vượt biên giới từ Belarus sang nước này, trong đó riêng hai tháng 8 và 9, có tới 8.000 lượt người bị chặn. Litva và Latvia, cũng là thành viên EU, đã ghi nhận số trường hợp tìm cách vượt biên từ Belarus tăng đột biến.
Đáng chú ý, ngày 16/11, tình trạng bạo lực đã bùng phát tại biên giới Ba Lan-Belarus khi người di cư ném đá vào lực lượng biên phòng Ba Lan và bị đáp trả bằng vòi rồng, hơi cay. Bộ Quốc phòng Ba Lan ngày 18/11 thông báo các lực lượng của nước này đã bắt giữ một nhóm khoảng 100 người di cư đang cố vượt biên từ lãnh thổ Belarus trong đêm. Cùng với EU, Các Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng lên tiếng hối thúc nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư này do đang gây rủi ro tới tính mạng của nhiều người.
Ngày 18/11, nhà chức trách Belarus đã đưa ra đề xuất để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư ở khu vực biên giới giữa nước này và Ba Lan, trong đó EU sẽ tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác.
Hiện chưa rõ kế hoạch trên có được EU chấp nhận hay không. Tuy nhiên, hàng trăm người di cư Iraq đã làm thủ tục tại sân bay ở thủ đô Minsk để đáp chuyến bay về nước.
Cùng ngày, Belarus thông báo đã dỡ bỏ các khu lán trại tị nạn chính của người di cư ở biên giới với Ba Lan. Động thái này được cho là nhằm "hạ nhiệt" cuộc khủng hoảng trong những tuần gần đây giữa Minsk và EU. Theo hãng thông tấn Belta, khoảng 2.000 người di cư đã được đưa đến nơi khác trú tạm. Lực lượng biên phòng Ba Lan xác nhận các khu lán trại đã được dỡ bỏ ở phía biên giới của Belarus, nhưng cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình.