Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Trung Đông
Ngày 13/7, ông Joe Biden đã bắt đầu chuyến công du Israel, Bờ Tây và Saudi Arabia. Đây là chuyến thăm chính thức Trung Đông đầu tiên của nhà lãnh đạo trên cương vị Tổng thống Mỹ.
Điểm dừng chân đầu tiên của ông Biden là Israel. Tại đây, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề khu vực, đặc biệt là vấn đề hạt nhân Iran và tiến trình hòa bình Trung Đông liên quan cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Đáng chú ý, ông Joe Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid đã ký Tuyên bố Jerusalem khẳng định mối quan hệ “không thể phá vỡ” giữa Mỹ- Israel và “cam kết bền bỉ của Mỹ đối với an ninh của Israel”.
Sau Israel, ông Biden đã tới khu Bờ Tây để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Palestine và tái khẳng định cam kết của Mỹ với giải pháp “hai nhà nước” cho xung đột Israel-Palestine, bao gồm các biện pháp bình đẳng về an ninh, tự do và tạo cơ hội cho người dân Palestine.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến công du là Saudi Arabia, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế, bởi thời gian qua quan hệ hai nước gặp trắc trở do nhiều bất đồng. Tại Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ còn tham dự Hội nghị thượng đỉnh của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhằm thúc đẩy các lợi ích an ninh, kinh tế và ngoại giao của Mỹ.
Thời gian qua, mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia không êm ấm bởi những bất đồng liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi hồi năm 2018. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định trong bối cảnh nước Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức kinh tế, xuất phát từ giá năng lượng leo thang, chuyến thăm lần này là cơ hội để Mỹ tranh thủ vị thế của Saudi Arabia - quốc gia xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, đồng thời là thành viên quan trọng trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - thuyết phục các nước tăng sản lượng giúp giảm giá nhiên liệu và lạm phát tại Mỹ.
Ngoài ra, cũng thông qua chuyến thăm này, Mỹ còn thực hiện được mục tiêu quan trọng khác, đó là nỗ lực hòa giải quan hệ phức tạp giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó có quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.
Giới quan sát nhận định chuyến đi của ông Biden cũng chịu tác động lớn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ đang tìm cách lôi kéo những quốc gia có sức ảnh hưởng ủng hộ chiến dịch cô lập Moskva của Washington. Cựu cố vấn cấp cao về chính sách Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ Aaron David Miller cho biết ngay cả khi các lệnh trừng phạt bắt đầu tác động đến nền kinh tế Nga, không phải nước nào cũng ủng hộ Mỹ mà vẫn có những tính toán riêng. Chẳng hạn, Israel tiếp tục duy trì mối quan hệ cởi mở với Nga bởi Nga vẫn còn căn cứ quân sự ở Syria và Tel Aviv muốn bảo toàn mối quan hệ lâu dài giữa người Israel và cộng đồng người Do Thái ở Nga. Về phía Saudi Arabia, Riyadh coi mối quan hệ với một nước Nga giàu dầu mỏ là cách giúp tạo ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu.
Giới chuyên gia đánh giá chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thời điểm này là bước đi cần thiết. Chuyến thăm này được kỳ vọng góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt nhiên liệu, tiếp tục khẳng định các cam kết của Washington với các đồng minh, đồng thời khẳng định vị thế của Mỹ ở khu vực.
Dịch COVID-19 tái bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới
Sau một thời gian nhiều quốc gia trên thế giới nới lỏng các biện pháp phòng dịch và dần trở lại cuộc sống bình thường mới, số ca mắc COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, do biến thể phụ của Omicron là BA.4 và BA.5 lây lan nhanh.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong tuần cuối tháng 6, số ca nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron đã chiếm 52% số ca mới, tăng so với mức 37% trong vòng một tuần. Số ca COVID-19 trên toàn cầu cũng đã tăng trong 4 tuần liên tiếp gần đây.
Ở châu Âu, số ca COVID-19 đã tăng gấp 3 lần trong vòng 4 tuần, nhiều quốc gia đang đứng trước nguy cơ đối mặt với làn sóng COVID-19 mới. Các biến thể BA.4 và BA.5 dự kiến sẽ lan tràn khắp châu lục này, có khả năng lấn át tất cả các biến thể khác, đặc biệt khi nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại và đón khách du lịch vào cuối tháng 7. Giới chức lo ngại tình trạng quá tải bệnh viện sẽ tái diễn và gây áp lực nặng nề lên hệ thống y tế.
Tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận 40.266 ca mắc mới COVID-19 vào ngày 13/7, mức cao nhất trong 2 tháng. Nhật Bản ngày 15/7 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 vượt mốc 100.000 ca lần đầu tiên kể từ đầu tháng 2 năm nay và tăng gấp đôi so với tuần trước trong làn sóng dịch thứ 7.
Trong ngày 15/7, Australia cũng ghi nhận trên 40.000 ca nhiễm mới và vượt 60 ca tử vong do COVID-19. Giới chức nước này cảnh báo trong những tuần tới hàng triệu người dân nước này có nguy cơ mắc COVID-19, trong đó một số người tái nhiễm.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 12/7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch COVID-19 “chưa có dấu hiệu chấm dứt”, đồng thời bày tỏ lo ngại virus SARS-CoV-2 đang tự do lưu hành trong khi nhiều quốc gia lại không quản lý hiệu quả gánh nặng bệnh tật.
Ông Ghebreyesus cũng bày tỏ lo ngại về số ca mắc COVID-19 ngày một gia tăng, gây áp lực hơn nữa lên hệ thống và nhân viên y tế vốn đã chịu nhiều áp lực tại nhiều nước trên thế giới. Người đứng đầu WHO kêu gọi chính phủ các nước triển khai những biện pháp đã được áp dụng như đeo khẩu trang, cải tạo hệ thống thông gió, tăng cường xét nghiệm và đề ra phương pháp điều trị.
Lời cảnh báo của người đứng đầu WHO được đưa ra sau khi Ủy ban tình trạng khẩn cấp WHO vẫn xác định dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, mức báo động cao nhất của tổ chức này, sau gần 2 năm rưỡi kể từ khi ban bố. Ủy ban trên cũng cho rằng việc giảm mạnh hoạt động xét nghiệm có thể dẫn tới giảm hoạt động giám sát và giải trình tự gien của virus.
Theo các chuyên gia, thực tế đợt dịch mới hiện nay cho thấy dù số ca COVID-19 gia tăng khiến số trường hợp phải nhập viện cũng tăng lên ở một số quốc gia nhưng số ca tử vong không tăng đột biến. Kết quả này phần lớn là nhờ sự hiệu quả của vaccine có thể giúp giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong. Bởi vậy, nhằm ứng phó với số ca mắc COVID-19 mới tiếp tục tăng cao, WHO kêu gọi chính phủ các nước cần hối thúc người dân tiêm mũi vaccine tăng cường.