Diễn biến chính trị quan trọng tại Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/1 đã khởi động cuộc cải tổ đầy bất ngờ đối với ban lãnh đạo nước này, đồng thời đề xuất những thay đổi Hiến pháp được cho là sẽ thay đổi diện mạo cả hệ thống chính trị của đất nước, tạo ra một nền tảng mới về chất cho quá trình phát triển không chỉ trong vài năm tới, mà cho cả một giai đoạn dài tiếp sau.
Các sửa đổi bao gồm đề nghị thay đổi phương thức bổ nhiệm chính phủ theo cách Quốc hội đề xuất các ứng cử viên, và tổng thống không có quyền từ chối đề cử của Quốc hội vào các cương vị Thủ tướng, Phó Thủ tướng và bộ trưởng thay cho việc Tổng thống bổ nhiệm Thủ tướng. Tuy nhiên, Tổng thống vẫn giữ quyền xác định các ưu tiên của chính phủ và quyền bãi nhiệm các thành viên chính phủ. Tổng thống vẫn kiểm soát trực tiếp hệ thống phòng thủ.
Tổng thống Putin cũng cho biết ông không phản đối việc củng cố vai trò của Tòa án Hiến pháp. Ngoài ra, ông đề nghị tăng cường vai trò của Hội đồng Nhà nước và các thống đốc thông qua việc chính thức hóa các quy định trong Hiến pháp.
Với mỗi sáng kiến sửa đổi, ông Putin đề nghị trưng cầu ý dân. Phát ngôn viên của tổng thống, ông Dmitry Peskov lưu ý rằng đây là cải cách nghiêm túc, nên nguyên thủ quốc gia Nga cho rằng cần phải tham khảo ý kiến của dân chúng thông qua bỏ phiếu. Thời điểm và thủ tục tiến hành trưng cầu ý dân sẽ được xác định và sau đó được chính thức hóa bằng sắc lệnh.
Theo trang thông tin của Điện Kremlin ngày 15/1, Tổng thống Putin đã thành lập nhóm công tác soạn thảo các đề xuất sửa đổi Hiến pháp. Nguyên thủ quốc gia Nga đã ký lệnh phê duyệt thành phần của nhóm công tác, có hiệu lực từ ngày 15/1.
Ngay sau khi Tổng thống Nga kết thúc bản Thông điệp liên bang, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đệ đơn xin cả chính phủ từ chức, mở đường “hiện thực hóa” các sáng kiến của Tổng thống Putin. Truyền thông Nga cho biết ông Medvedev có thể sẽ được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh của Tổng thống.
Nhân vật thay thế ông Medvedev đảm nhiệm chức vụ thủ tướng mới của Nga là Mikhail Mishustin – người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang Nga. Với 3/424 phiếu ủng hộ, không có phiếu chống và 41 phiếu trắng, Duma Quốc gia Nga đã thông qua đề xuất của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng mới. Sau khi được Hạ viện Nga thông qua, chiều 16/1, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm. Ông Mishustin cam kết sẽ tập trung vào các vấn đề xã hội và cải thiện điều kiện sống của người dân.
Giới quan sát Nga đánh giá các đề xuất của Tổng thống Putin thực chất đã thay đổi cơ cấu nền tảng của chính quyền hành pháp. Nhà lãnh đạo đang bắt đầu xây dựng di sản của mình cho đất nước, quan trọng nhất trong đó là hệ thống chính trị cân bằng và vững chắc, có khả năng cải tổ các cơ cấu. Hệ thống đó sẽ hoạt động kể cả khi ông không còn nắm giữ vị trí “tổng tư lệnh”.
Mỹ-Trung ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”
Ngày 15/1 (giờ địa phương), Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” tại Nhà Trắng. Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống Trump ca ngợi đây là thỏa thuận lịch sử, bước đi quan trọng tiến tới quan hệ thương mại công bằng và hai bên cùng có lợi. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sẽ đi thăm Trung Quốc trong một tương lai không xa để thúc đẩy giai đoạn hai của thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Theo thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm tới và đổi lại Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, mức thuế của Mỹ đối với 375 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn được áp đặt cho tới giai đoạn 2 của thỏa thuận thương mại giữa hai nước.
Thỏa thuận thương mại cũng bao gồm các điều khoản nhằm ngăn chặn hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc cũng như việc Trung Quốc tăng mua hàng của Mỹ. Tuy nhiên, với các điều khoản này, giới phân tích cho rằng vấn đề lớn nhất chính là việc thực thi thỏa thuận bởi không có một cơ chế giám sát hay trọng tài độc lập để đảm bảo rằng hai bên sẽ giữ cam kết của mình trong thời gian tới.
Như vậy, mặc dù vẫn còn nhiều rủi ro tiềm ẩn trong giai đoạn tiếp theo của cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khi những vấn đề khó khăn nhất chưa được giải quyết. Tuy nhiên, đây là thỏa thuận cần thiết đối với Tổng thống Trump khi ông chuẩn bị bước vào năm bầu cử 2020. Trong khi đó, đối với Trung Quốc, thỏa thuận này sẽ giúp cải thiện triển vọng thương mại, giảm bớt nhu cầu phải triển khai gói kích cầu quy mô lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Ông Larry Kudlow, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia, ngày 10/1 cho rằng việc ký kết thỏa thuận thương mại "Giai đoạn 1" đánh dấu một nút dừng trong cuộc chiến thương mại kéo dài gần hai năm qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Những tiến bộ mới nhất này giúp hạ nhiệt căng thẳng cuộc chiến thương mại gây thiệt hại cho cả hai nước và giảm bớt các rủi ro mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt.
Chỉ vài giờ sau khi diễn ra lễ ký kết thỏa thuận “Giai đoạn 1”, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung "Giai đoạn 2". Phát biểu trên Fox Business, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết nếu Tổng thống Donald Trump nhanh chóng tiến tới được thỏa thuận giai đoạn 2, ông sẽ xem xét dỡ bỏ thuế quan như một phần của thỏa thuận này. Chính quyền Tổng thống Trump cũng đặt ra mục tiêu sẽ tiếp tục đàm phán giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận trước cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11/2020.