Tranh cãi thời điểm mở cửa nền kinh tế giữa dịch COVID-19
Tuần qua, thế giới đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 vượt ngưỡng 2 triệu người. Theo số liệu thống kê của www.worldometers.info, tính đến 6h sáng 19/4, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn thế giới là 2.325.158 người, trong đó có 160.446 người tử vong.
Mặc dù biểu đồ dịch COVID-19 thế giới vẫn tăng theo phương thẳng đứng, song một số quốc gia đã nới lỏng lệnh phong tỏa với hy vọng mở cửa trở lại các nền kinh tế. Theo hãng tin AFP, giới chuyên gia lo ngại chính quyền các nước khuất phục trước sức ép từ kinh tế và xã hội mà sớm dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa có thể tạo cơ hội cho phép COVID-19 xuất hiện trở lại. “Dỡ bỏ các biện pháp chống dịch quá sớm có thể dẫn tới một sự hồi sinh chết người”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu.
Ngày 16/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7, gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản). Tại hội nghị, lãnh đạo G7 đã nhất trí phối hợp tái mở cửa các nền kinh tế của nhóm sau đại dịch COVID-19 và đảm bảo "các chuỗi cung ứng đáng tin cậy" trong tương lai.
Mỹ tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về tất cả các chỉ số ca nhiễm mới, ca tử vong mới trong ngày, cũng như về tổng số ca mắc bệnh (737.217 người) và tổng số ca tử vong (.932 người). Với nhận định vào ngày 15/4 rằng Mỹ đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra chỉ đạo tái mở cửa nền kinh tế Mỹ. Ngày 16/4, nhà lãnh đạo Mỹ công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ theo 3 giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy sự suy giảm dịch bệnh. Tổng thống Trump đã nói với thống đốc các bang rằng một số bang có thể mở cửa trở lại vào ngày 1/5 hoặc sớm hơn.
Tuy nhiên, không phải bang nào cũng sẵn sàng dỡ bỏ phong tỏa. Ông Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York, đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tại tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất này đến ngày 15/5, mặc dù số ca tử vong do COVID-19 được ghi nhận trong vòng 1 ngày qua ở mức thấp nhất trong 10 ngày liên tục. Hiện đã có 7 bang Đông Bắc Mỹ đã tuyên bố kéo dài lệnh phong tỏa tới ngày 15/5.
Số liệu của Chính phủ công bố ngày 16/4 cho thấy trong tuần trước, nước Mỹ đã ghi nhận thêm 5,2 triệu người lao động rơi vào cảnh mất việc làm và xin trợ cấp thất nghiệp. Theo đó, do áp dụng các biện phàm kiềm chế sự lây lan của COVID-19, nền kinh tế số 1 thế giới đã mất tổng cộng 22 triệu việc làm kể từ giữa tháng 3, nâng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên 8,2%.
Tại châu Âu – châu lục bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất thế giới song tốc độ lây lan có phần “hạ nhiệt”, một số quốc gia như Áo, Đan Mạch, Cộng hòa Séc đã cho phép các cửa hàng buôn bán nhỏ mở cửa trở lại sau kì nghỉ Lễ Phục sinh.
Trong khi đó, đối với một số quốc gia khác từng bị coi là “tâm dịch” như Italy, Tây Ban Nha và Anh, chính phủ những nước này vẫn rất còn thận trọng khi bàn về việc dỡ bỏ các biện pháp. Một số nước châu Âu đã gia hạn lệnh phong thỏa thêm một thời gian.
Ngày 16/4, Chính phủ Anh thông báo việc phong tỏa trên toàn quốc sẽ được duy trì trong ít nhất 3 tuần nữa, ngay cả khi dữ liệu cho thấy sự bùng phát COVID-19 tại đây có vẻ đã đạt đỉnh. Nữ hoàng Elizabeth cũng quyết định sẽ không tổ chức đại lễ mừng thọ 94 tuổi của bà như mọi năm giữa lúc cả nước đang dồn sức dập dịch. Hiện Anh ghi nhận trên 114.200 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 15.464 ca tử vong.
Đối với Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte tuyên bố ông đã đưa ra một "quyết định khó khăn nhưng cần thiết" là kéo dài lệnh phong tỏa tại quốc gia Địa Trung Hải này cho tới ngày 3/5, bất chấp những tác động tới nền kinh tế. Italy hiện ghi nhận 175.925 ca mắc COVID-19, trong đó có 23.227 người tử vong.
Trong một bài phát biểu gần 30 phút được truyền hình trực tiếp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo lệnh phong tỏa được triển hạn cho đến ngày 11/05 nhằm tiếp tục kìm hãm đà lây lan của dịch bệnh. Tại Pháp trên 19.000 người tử vong vì virus SARS-CoV-2.
Tại châu Á, các ca “tái dương tính” với COVID-19 đang làm đau đầu các chuyên gia y tế. Theo số liệu của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, tính đến ngày 18/4, nước này đã ghi nhận ít nhất 163 trường hợp tái nhiễm virus SARS-CoV-2. Phần lớn được phát hiện ở thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc, những tâm điểm bùng phát dịch COVID-19 ở Hàn Quốc.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, một người mang mã QR sức khỏe màu Xanh xác nhận không bị bệnh nhưng đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là trường hợp thứ tư mang “mã QR Xanh” của tỉnh Hồ Bắc nhưng đã xét nghiệm axit nucleic lại dương tính. Các chuyên gia nhận định xuất hiện trường hợp tái nhiễm là dấu hiệu đặt ra những thách thức mới trong cuộc chiến ngăn chặn đại dịch COVID-19 toàn cầu.
Tại Nhật Bản, trong tuần qua, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Chính quyền các tỉnh, thành sẽ có quyền yêu cầu các trường học và nhiều doanh nghiệp đóng cửa cho đến hết kỳ nghỉ Tuần lễ vàng, tức là ngày 6/5 tới. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp toàn quốc về dịch bệnh được ban bố ở Nhật Bản.
Tại Singapore, Ngày 18/4, Bộ Y tế nước này đã xác nhận thêm 942 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là mức tăng theo ngày cao kỷ lục ở quốc gia Đông Nam Á, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 5.992 người. Theo nguồn tin trên, đa số các ca nhiễm mới đều là những người sống trong những khu nhà ở dành cho lao động nước ngoài.
Ngày 18/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng báo động về diễn biến nhanh chóng của đại dịch COVID-19 ở châu Phi. Theo WHO, trong tuần qua, châu Phi đã ghi nhận sự gia tăng 51% số ca bệnh nhiễm mới và tăng 60% số ca tử vong.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế châu Phi của Liên hợp quốc cảnh báo châu Phi có thể phải ghi nhận tới 300.000 ca tử vong do COVID-19. Bất cứ kịch bản nào cũng đều là quá tải đối với các hệ thống y tế vốn rất mong manh và thiếu đầu tư của châu Phi.
OPEC+ đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Nga và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác ngày 12/4 đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.
Cụ thể, OPEC cùng các nước đối tác, còn được gọi là OPEC+ đã nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng từ tháng 5-6/2020. Đây được coi là đợt cắt giảm sản lượng lớn nhất từ trước đến nay và các nước OPEC+ cũng sẽ tiếp tục từng bước cắt giảm sản lượng trong vòng 2 năm, cho đến tháng 4/2022.
Tuy nhiên, việc OPEC+ đạt được thỏa thuận về cắt giảm sản lượng vẫn không thể cứu vãn tình hình giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh trong các phiên giao dịch gần đây. Theo đánh giá của các chuyên gia, giá dầu tiếp tục là do các nhà đầu tư còn hoài nghi về tính hiệu quả của thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC. Giới đầu tư cho rằng OPEC+ có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh cắt giảm sản lượng để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu dầu thế giới vốn là hậu quả trực tiếp của đại dịch COVID-19.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh, còn gọi là OPEC+, có kế hoạch tiếp tục điều chỉnh sản lượng theo hướng cắt giảm tới 19,5 triệu thùng/ngày, thay vì gần 10 triệu thùng/ngày theo thoả thuận đạt được hôm 12/4.