Tầm quan trọng của y tá
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch COVID-19 nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về tăng cường lực lượng y tế toàn cầu. Chủ đề của Ngày Sức khỏe Thế giới năm nay nhằm tôn vinh một phần trong lực lượng đó: các y tá và điều dưỡng viên.
Nhân ngày này, WHO công bố báo cáo mới mang tên “Thực trạng của ngành điều dưỡng thế giới năm 2020”, qua đó cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về bộ phận đông nhất trong lực lượng y tế. Y tá và điều dưỡng chiếm hơn một nửa lực lượng y tế thế giới, cung cấp dịch vụ cần thiết trong hệ thống y tế. Từ xưa tới nay, y tá luôn ở tuyến đầu trong các cuộc chiến chống các dịch bệnh, đại dịch đe dọa sức khỏe người dân toàn cầu.
Khắp thế giới, các y tá và điều dưỡng viên đang thể hiện sự nhiệt huyết, lòng dũng cảm khi chiến đấu với COVID-19. Chưa bao giờ giá trị của họ lại rõ ràng hơn như bây giờ.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu: “Y tá là xương sống của bất kỳ hệ thống y tế nào. Ngày nay, nhiều y tá đang ở tuyến đầu chống COVID-19. Báo cáo nói trên là lời nhắc nhở mạnh mẽ về vai trò không thể thay thế của y tá và lời kêu gọi thức tỉnh để đảm bảo họ được hỗ trợ cần thiết nhằm giữ cho thế giới khỏe mạnh”.
Báo cáo nói trên do WHO và Hội đồng Y tá Quốc tế (ICN) cùng tổ chức Nursing Now thực hiện. Theo số liệu trong báo cáo, thế giới có gần 28 triệu y tá. Từ năm 2013 tới 2018, số lượng y tá tăng 4,7 triệu người. Tuy vậy, toàn cầu vẫn thiếu khoảng 5,9 triệu y tá và điều dưỡng viên, trong đó thiếu nhất là ở châu Phi, Đông Nam Á, khu vực Đông Địa Trung Hải và Mỹ Latinh.
Hơn 80% số y tá trên thế giới làm việc ở những quốc gia đông dân chiếm một nửa dân số thế giới. Cứ 8 y tá thì có một người làm việc ở nước ngoài. Tuổi tác cũng là vấn đề với ngành điều dưỡng khi cứ 6 y tá thì có một người sẽ về hưu trong 10 năm tới.
Để thay đổi tình trạng thiếu hụt toàn cầu này, báo cáo ước tính các nước thiếu y tá cần tăng tổng số sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng trung bình 8%/năm, đồng thời tăng cường tuyển dụng và duy trì họ trong ngành y tế.
Hiện nay, khoảng 90% y tá là nữ nhưng không mấy y tá nắm giữ các vị trí lãnh đạo cao trong ngành y tế. Ông Lord Nigel Crisp, đồng Chủ tịch tổ chức Nursing Now, nhấn mạnh: “Báo cáo cung cấp dữ liệu và bằng chứng quan trọng để kêu gọi tăng cường vai trò lãnh đạo của y tá”.
Trong tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay, Tổng Giám đốc WHO cho rằng thế giới cần tri ân các nhân viên y tế, đặc biệt là y tá và hộ sinh. Ông Ghebreyesus nhấn mạnh tầm quan trọng của y tá: “Y tá là những người có mặt ngay ngay từ khoảnh khắc đầu tiên của cuộc sống cho tới phút cuối cùng…
Một bài học mà tôi hy vọng thế giới học từ COVID-19 là chúng ta phải đầu tư vào nhân viên y tế, không chỉ bảo vệ mạng sống mà còn kế sinh nhai của họ”.
Trong thông điệp nhân Ngày Sức khỏe Thế giới, ông Ghebreyesus cho biết Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2020 diễn ra vào thời điểm rất khó khăn với tất cả mọi người. Chúng ta biết ơn hơn bao giờ hết với các nhân viên y tế trong cuộc chiến chống đại dịch. Ông nói: “Các bạn làm chúng tôi tự hào và truyền cảm hứng cho chúng tôi. Chúng tôi sát cánh với các bạn và nhờ cậy vào các bạn”.
Áp lực của nhân viên y tế trong đại dịch COVID
Tính tới ngày 7/4, virus SARS-CoV-2 đã khiến người 1.349.808 nhiễm bệnh và trên 74.820 người tử vong. Theo tờ Newsweek, đã có trên 100 bác sĩ, y tá thiệt mạng vì COVID-19 khắp thế giới, trong đó gần một nửa là ở Italy. Tỷ lệ lây nhiễm giữa nhân viên y tế ở Italy và Tây Ban Nha là 9 và 14%.
Phát biểu với tờ Newsweek, Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng Y tá Quốc tế, ông Howard Catton, nói: “Chúng tôi lo ngại suốt nhiều tuần qua về số lượng y tá và nhân viên y tế nhiễm virus Corona chủng mới. Y tá khắp thế giới đang chịu áp lực khủng khiếp trong công việc khi phải làm nhiều giờ không nghỉ ngơi và không có ngày nghỉ. Điều này đang gây hậu quả”.
Ông Catton nói: “Đáng buồn là có trường hợp tử vong trong y tá ở Italy, Tây Ban Nha, Iran, Indonesia. Chúng tôi chắc chắn rằng tỷ lệ lây nhiễm một phần liên quan tới tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân. Chúng ta biết toàn cầu đều thiếu nhưng y tá làm việc ở tuyến đầu, họ là anh hùng và họ phải được bảo vệ nếu còn tiếp tục làm công việc cứu người như hiện nay”.
Tại Anh, cứ 5 y tá thì có 1 người ốm hoặc tự cách ly vì COVID-19. Tại Italy, cứ 10 ca mắc COVID-19 thì có gần một trường hợp là nhân viên y tế. Tại Tây Ban Nha, con số này còn cao hơn: ít nhất 12.298 nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2, chiếm 14,4% tổng số ca mắc COVID-19 được ghi nhận.
Tại Trung Quốc, trong tuần đầu tháng ba, Ủy Ban Y tế Quốc gia cho biết có 3.300 nhân viên y tế nhiễm virus. Mỹ không có số liệu về nhân viên y tế mắc COVID-19 mặc dù tình trạng nhiễm bệnh, tử vong có thể không nhỏ.
Tình trạng thiếu hụt toàn cầu các thiết bị bảo hộ cá nhân như khẩu trang, kính, găng tay càng khiến đội ngũ y tế lo lắng và thêm áp lực. Một số nhân viên y tế ở Anh cho biết họ không được bảo vệ phù hợp và cảnh báo thiếu thiết bị khiến mạng sống họ gặp rủi ro.
Tại Pháp, một nhóm gồm trên 600 bác sĩ đã kiện cựu Bộ trưởng Y tế và Thủ tướng vì không cung cấp đủ các đồ dùng bảo hộ cá nhân và bộ xét nghiệm khi cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng nghiêm trọng.
Tới nay, dịch COVID-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ với tốc độ lây lan không thể kiểm soát. Dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống y tế toàn thế giới, làm đình trệ mọi hoạt động của cuộc sống thường nhật. Tình trạng các ca nhiễm và tử vong tăng mạnh, gây quá tải ở các quốc gia được đánh giá là có hệ thống y tế hiện đại như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Italy… đang khiến người ta lo ngại về kịch bản xấu, khi virus SARS-CoV-2 không bị ngăn chặn, lan nhanh tới những khu ổ chuột ở Ấn Độ hay Brazil, những làng quê nghèo châu Phi nơi hệ thống y tế còn thiếu thốn lạc hậu, hay những trại của người di cư vốn đông đúc và thiếu vệ sinh.
Trong bối cảnh đó, vai trò của lực lượng y tá nói riêng và nhân viên y tế nói chung càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự hy sinh của họ cần phải được cả thế giới ghi nhận, tôn vinh.
Ngày Sức khỏe Thế giới là ngày nâng cao nhận thức về sức khỏe toàn cầu, được kỷ niệm hàng năm ngày 7/4 dưới sự bảo trợ của WHO và các tổ chức liên quan. WHO tổ chức Hội đồng Sức khỏe Thế giới đầu tiên năm 1948 và Hội đồng quyết định lấy ngày 7/4 hàng năm là Ngày Sức khỏe Thế giới, có hiệu lực từ năm 1950. Ngày này là cơ hội để WHO thu hút sự chú ý toàn thế giới về một chủ đề quan trọng với y tế toàn cầu mỗi năm.