Xu hướng đáng ngại này xuất hiện chỉ ít ngày sau khi thế giới ghi nhận cột mốc đáng buồn với 3 triệu người tử vong vì COVID-19, bất chấp việc các nước đẩy nhanh nỗ lực tiêm phòng vaccine. Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, số ca nhiễm trong tuần tăng 12% so với tuần trước đó, làm dấy lên lo ngại về kỳ vọng sớm dập tắt được đại dịch.
Mức lây nhiễm theo tuần đã vượt qua thời kỳ đỉnh điểm hồi giữa tháng 12/2020. Dịch bệnh có chiều hướng giảm ở Mỹ và Anh, nhưng lại tăng mạnh ở nhóm nước đang phát triển, với Ấn Độ và Brazil là hai tâm dịch nguy hiểm nhất. Số ca tử vong trên toàn thế giới cũng tăng trở lại, với trung bình có gần 12.000 người chết/ngày trong tuần qua, tăng mạnh so với mức 8.600 ca tử vong/ngày của tuần từ 7-14/3 – thời điểm dịch bệnh có xu thế lắng xuống.
Ấn Độ và Brazil là hai nước chiếm tỉ lệ lớn nhất về số ca nhiễm mới trên toàn cầu, một “cuộc đua” mà không một nước nào muốn thành người chiến thắng. Đối diện với sự lây nhiễm bùng phát mạnh, Ấn Độ đã vượt Brazil để trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới sau Mỹ.
Các bệnh viện ở Ấn Độ, Brazil đều đang trong tình trạng quá tải, khi số người nhập viện do mắc COVID-19 tăng nhanh. Tiến độ tiêm vaccine ở hai nước này hiện cũng ở mức thấp, lần lượt ở ngưỡng 4,5% và 8,3% tổng dân số, kém xa so với mức 33% ở Mỹ và 32% ở Anh.
Nhưng không phải chỉ các nước đang phát triển mới phải đối mặt với bước thụt lùi trong cuộc chiến chống COVID-19. Một số ca mắc chứng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine Johnson & Johnson và AstraZeneca khiến chính phủ nhiều nước trên thế giới phải đối diện với xu thế gia tăng nghi ngờ với vaccine trong dân chúng.
Những biến chủng mới của SARS-CoV-2 cũng là một tác nhân làm dịch bệnh bùng phát mạnh. Brazil là nước khởi nguồn của biến chủng P.1, được đánh giá có mức độ gây tử vong cao nhất, được phát hiện hồi tháng 12/2020. Những nghiên cứu mới đây cho thấy, P.1 cùng với biến chủng ở Anh, Nam Phi, đều là loại có khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với các chủng cũ.