Thế giới vượt 188,8 triệu ca mắc COVID-19; Indonesia vượt ngưỡng 50.000 ca/ngày

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 22h ngày 14/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 188.806.829 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.0.854 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Apple Valley, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện có hơn 172,536 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi và xuất viện trong khi còn hơn 12,198 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã có thêm gần 3 triệu ca mắc COVID-19 và trên 55.000 ca tử vong trên toàn thế giới trong tuần qua. Theo WHO, tỷ lệ mắc mới và tử vong tính từ ngày 5 - 11/7 tăng lần lượt 10% và 3% so với tuần trước đó. Tỷ lệ mắc mới tăng cao nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải (25%), tiếp đó là châu Âu (20%), Đông Nam Á (16%), Tây Thái Bình Dương (15%) và châu Phi (5%). Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm ở khu vực châu Mỹ (3%). Trong khi đó, tỷ lệ tử vong đã tăng mạnh ở khu vực châu Phi (50%) và Đông Nam Á (26%), và giảm 11% ở châu Mỹ. Theo WHO, biến thể Delta có khả năng lây lan cao hiện đã xuất hiện tại hơn 110 nước trên thế giới.

Tại Đông Nam Á, tình hình dịch bệnh tại Lào đã có những tín hiệu tích cực khi nước này không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, toàn bộ 75 ca mắc mới đều là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tuy nhiên, Bộ Y tế Lào vẫn lo ngại trước sự nguy hiểm và nguy cơ lây nhiễm biến thể Delta vào nước này khi lao động Lào trở về từ  Thái Lan - nơi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp. Lào khuyến khích công dân từ Thái Lan về nước theo đường chính ngạch. Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra biên giới trên sông Mekong đang được tăng cường ở các tỉnh Champasak và Savannakhet để ngăn chặn hoạt động nhập cảnh bất hợp pháp, sau khi hai tỉnh có cửa ngõ chính với Thái Lan này ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng đột biến là người lao động nhập cảnh. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.976 ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN

Campuchia thông báo 5.104.846 người gồm công chức, lực lượng vũ trang, người dân và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Campuchia đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trong bối cảnh biến thể Delta lây lan nhanh khiến số ca mắc và tử vong tiếp tục tăng. Trong ngày 14/7, Campuchia ghi nhận thêm 33 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 986 người, và thêm 915 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên là 63.615, trong đó 55.615 ca đã khỏi bệnh. 

Malaysia ghi nhận thêm 11.618 ca mắc mới, là ngày thứ hai liên tiếp, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Malaysia ghi nhận tổng cộng 867.567 ca mắc COVID-19. Số ca mắc mới ở Malaysia gần đây tăng mạnh là do tăng cường năng lực xét nghiệm tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Bogor, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca mắc COVID-19 trong ngày tại Indonesia lần đầu vượt ngưỡng 50.000 ca, lên tới 54.513 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên là 2.670.042 ca, trong đó có 69.210 ca tử vong, cao hơn 991 ca so với một ngày trước đó. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tại Indonesia ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã liên tục gia tăng trong vài tuần qua, được cho là hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr tháng 5 và sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, đặc biệt là biến thể Delta. Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 1 ca nhiễm các biến thể của virus SARS-CoV-2 nằm trong danh sách "đáng lo ngại" (VoC) của WHO. Theo đó, số ca nhiễm biến thể Delta nhiều nhất, với 615 ca, tiếp đó là 54 ca nhiễm Alfa và 12 ca nhiễm Beta. 

Hiện Indonesia đang là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày và là nước có số ca mắc và tử vong cao nhất ở khu vực Đông Nam Á. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Cảnh sát Quốc gia Indonesia tiếp tục nâng số chốt chặn trên các tuyến đường giao thông tại các địa phương thực thi lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp từ 651 điểm lên 998 điểm. Indonesia bắt đầu tiêm phòng COVID-19  toàn quốc từ ngày 13/1 vừa qua với mục tiêu tiêm cho ít nhất 181,5 triệu người để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Tính đến ngày 13/7, quốc gia này đã tiêm đủ hai mũi vaccine cho 15.190.998 người, trong khi 36.914.607 người khác đã được tiêm 1 mũi.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Philippines thông báo sẽ cấm những người đến từ Indonesia hoặc có lịch sử đi lại gần đây tới Indonesia nhập cảnh. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 16 - 31/7 tới. Philippines cũng đã quyết định gia hạn lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ 7 quốc gia "nguy cơ cao" gồm Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến ngày 31/7, để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Singapore thông báo ghi nhận thêm 60 ca mắc mới, trong đó có 56 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày có số ca mắc mới cao nhất tại "đảo quốc Sư tử" kể từ ngày 11/9/2020. Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Bộ Y tế Singapore thông báo kể từ ngày 16/7, những người đến từ Myanmar sẽ không được phép nhập cảnh vào nước này. Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của Singapore sẽ thường xuyên xem xét các biện pháp kiểm soát biên giới để quản lý rủi ro từ các ca bệnh nhập cảnh, vốn dẫn đến tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. 

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Sydney, Australia. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Australia, chính quyền bang New South Wales quyết định gia hạn phong tỏa thành phố Sydney thêm ít nhất 14 ngày, sau khi các biện pháp hạn chế áp dụng trong 3 tuần trước đó không dập tắt được đợt bùng phát dịch mới nhất. Theo đó, lệnh phong tỏa sẽ được duy trì cho đến ngày 30/7, thay vì ngày 16/7 như dự kiến trước đó.

Trong 24 giờ qua, Sydney ghi nhận 97 ca mắc mới, trong đó có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thành phố lớn nhất của Australia với 5 triệu dân này đang chật vật kiểm soát sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Nhiều cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã đóng cửa, học sinh phải ở nhà và người dân chỉ được ra ngoài khi cần thiết hoặc tập thể dục.

Tại châu Âu, chính quyền thủ đô London tiếp tục yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng sau ngày 19/7, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch. Chính quyền London nhận định việc bắt buộc đeo khẩu trang sẽ là một "lớp phòng vệ" hữu hiệu, mang lại sự yên tâm cho cư dân thủ đô và du khách.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hầu hết các quy định phòng chống dịch COVID-19 tại nước này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/7, song chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn mới nhằm kiểm soát dịch bệnh và đề cao ý thức phòng dịch của cá nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được đưa ra quá sớm có thể khiến số ca mắc tăng mạnh trở lại.

Hy Lạp yêu cầu người dân phải có chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới được phép tới các nhà hàng, quán bar và quán cà phê phục vụ trong nhà. Đây là một trong các biện pháp nhằm cữu vãn mùa du lịch hè của Hy Lạp. Quy định này cũng sẽ được áp dụng đối với khách hàng tại các hộp đêm, rạp chiếu phim và rạp hát. Tuy nhiên, thực khách dùng bữa ở ngoài trời sẽ không cần có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm.

Vốn dựa khá nhiều vào ngành du lịch, Hy Lạp đang tìm cách để mở lại toàn bộ nền kinh tế. Tới nay, đã có khoảng 41% người Hy Lạp được tiêm đủ liều vaccine. Khách du lịch cần xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới được nhập cảnh. Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 444.783 ca mắc, trong đó có 12.806 ca tử vong.

Malta đã hủy thực thi lệnh cấm mọi du khách nhập cảnh vào nước này nếu chưa được tiêm đủ vacccine, chỉ vài giờ trước khi lệnh này có hiệu lực vào ngày 14/7. Thay vào đó, nước này sẽ áp dụng cách ly đối với những hành khách chưa được tiêm chủng. Malta được đánh giá là một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19, với khoảng 80% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vaccine. Tuy nhiên, sau khi không ghi nhận các ca mắc mới và chỉ có số ít bệnh nhân đang được điều trị, đảo quốc ở Địa Trung Hải này bắt đầu ghi nhận hàng chục ca mắc mới vào đầu tháng 7.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Johannesburg, Nam Phi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tính đến chiều 14/7, châu Phi ghi nhận tổng cộng 6.027.574 ca mắc COVID-19, trong đó có 153.449 ca tử vong và 5.259.921 bệnh nhân đã phục hồi. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là các quốc gia ghi nhận số ca bệnh cao nhất tại châu Phi trong đó Nam Phi là quốc gia duy nhất trong châu lục ghi nhận số ca mắc vượt mức 2 triệu, với 2.219.316 ca. Tính về số ca bệnh, khu vực miền Nam châu Phi là vùng chịu tác động mạnh nhất, tiếp đến là các khu vực Bắc Phi và Đông Phi trong khi khu vực Trung Phi ghi nhận số ca mắc thấp nhất châu lục.

Lê Ánh (TTXVN)
Olympic Tokyo: 85% VĐV và quan chức đã được tiêm vaccine hoặc miễn dịch với COVID-19
Olympic Tokyo: 85% VĐV và quan chức đã được tiêm vaccine hoặc miễn dịch với COVID-19

Ngày 14/7, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach cho biết 85% vận động viên (VĐV) và quan chức tham gia Thế vận hội Tokyo 2020 đã được tiêm vaccine hoặc miễn dịch với COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN