Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 180.725.379 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 630.532 ca tử vong trong tổng số 36.055.915 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 425.985 ca tử vong trong số 31.780.198 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 558.597 ca tử vong trong số 19.986.073 bệnh nhân.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 596 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 311 người và Bosnia-Herzegovina với 295 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có trên 1,37 triệu ca tử vong trong trên 41 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Âu, có trên 60 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 1,2 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận trên 3.700 ca tử vong trong trên 45,3 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có trên 640.900 ca tử vong trong trên 36,6 triệu ca nhiễm. Châu Phi ghi nhận trên 172.900 ca tử vong, Trung Đông có trên 161.900 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là trên 1.400 người.
Ngày 4/8, Indonesia - quốc gia đông dân nhất khu vực Đông Nam Á - ghi nhận 1.474 ca tử vong mới do bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong do căn bệnh này lên 100.636 ca kể từ đầu dịch đến nay. Số người tử vong đã tăng nhanh đáng kể trong những tuần gần đây tại Indonesia. Hầu hết các trường hợp tử vong là do điều trị muộn, vì các cơ sở y tế chỉ có thể tiếp nhận những bệnh nhân có biểu hiện nặng, các trường hợp còn lại thực hiện giải pháp tự cách ly tại nhà hoặc trong các khu vực cách ly tập trung ngoài bệnh viện. Hiện nay, mới chỉ có 8% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Hầu hết người dân Indonesia đều mong muốn được tiêm chủng nhưng thiếu khả năng tiếp cận.
Trong khi đó, Malaysia không chỉ ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, mà còn cả số ca tử vong cao chưa từng thấy do căn bệnh này. Trong ngày 4/8, nước này có thêm 19.819 ca mắc COVID-19 - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Trong đó, bang Selangor tiếp tục đứng đầu cả nước với 8.377 ca, tiếp theo là vùng lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 2.467 ca và bang Kedah với 1.371 ca. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 1.183.110 ca mắc COVID-19. Malaysia cùng ngày ghi nhận 257 ca tử vong vì COVID-19 - cũng là một mức cao chưa từng thấy. Trong 6 ngày qua, số ca tử vong vì COVID-19 ở Malaysia đều trên 130 ca/ngày. Tới nay, Malaysia có tổng cộng 9.855 ca tử vong vì COVID-19.
Thái Lan có thêm 20.200 ca mắc COVID-19 mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay lên 672.5 ca. Bộ Y tế Thái Lan cũng thông báo nước này ghi nhận 188 ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua - mức cao nhất từ đầu dịch, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi lên 5.503 người. Từ đầu tháng này, Chính phủ Thái Lan đã gia hạn các biện pháp phong tỏa thêm 2 tuần, đồng thời bổ sung 16 tỉnh vào danh sách những địa phương thuộc “vùng đỏ sẫm” kiểm soát tối đa nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Ngày 4/8 là ngày thứ ba liên tiếp, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận theo ngày tại Campuchia giảm. Bộ Y tế nước này xác nhận có 583 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, bao gồm 426 ca lây nhiễm cộng đồng và 157 ca nhập cảnh. Bộ cũng thông báo có 17 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi vì COVID-19 tại Campuchia lên 1.488 người. Tính đến nay, Campuchia phát hiện tổng 79.634 ca mắc COVID-19, trong đó 72.803 người đã khỏi bệnh.
Nhằm giảm gánh nặng cho các cơ sở kinh doanh đồ ăn uống trên địa bàn Phnom Penh, chính quyền thủ đô đã dỡ bỏ lệnh cấm phục vụ tại chỗ kèm theo một số điều kiện. Chính quyền Phnom Penh đề nghị các nhà hàng, quán ăn phải tuân thủ chặt chẽ tất cả các quy định về y tế để ngăn chặn dịch COVID-19. Nhà hàng, quán ăn phục vụ tại chỗ phải đảm bảo giãn cách, quét mã QR lấy thông tin khách hàng ra vào, kiểm tra nhiệt độ và xịt cồn diệt khuẩn. Tuy nhiên, nhà hàng, khách sạn, quán cà phê không được bán đồ uống có cồn trong thời gian 14 ngày áp dụng lệnh cấm, từ ngày 29/7-12/8.
Chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã phát hiện thêm 4.166 ca nhiễm mới trong ngày 4/8 - mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay và tăng 457 ca so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất trước đó ghi nhận vào ngày 31/7, với 4.058 ca. Kể từ giữa tháng 7 đến nay, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo đã liên tục tăng bất chấp việc Chính phủ Nhật Bản hôm 8/7 đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 vì dịch COVID-19 ở thành phố này. Theo chính quyền Tokyo, trong tuần từ ngày 29/7 đến ngày 4/8, số ca nhiễm mới trung bình ở thành phố này tăng 78% so với tuần trước đó lên mức cao kỷ lục 3.478,7 ca/ngày.
Trung Quốc đã ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất trong 6 tháng qua, trong bối cảnh nước này tiến hành xét nghiệm trên diện rộng và các chiến dịch truy vết phát hiện một loạt ca nhiễm biến thể Delta. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc ghi nhận 71 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ tháng 1/2021.
Hiện đợt bùng phát dịch mới đang đe dọa thành quả chống dịch tại nhiều tỉnh, thành của Trung Quốc, khi có tới gần 500 ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận kể từ giữa tháng 7, sau khi một ổ dịch bùng phát liên quan đến các nhân viên dọn vệ sinh tại sân bay ở Nam Kinh, thuộc tỉnh Giang Tô. Chính quyền thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) đã quyết định cấm người dân đi du lịch nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Trong thông báo, các quan chức quản lý xuất nhập cảnh cho biết sẽ tạm thời không cấp hộ chiếu phổ thông và các giấy tờ xuất nhập cảnh khác cho những người đi du lịch nước ngoài vì mục đích không thiết yếu.
Sau hơn 50 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, ngày 4/8, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận một ca mắc COVID-19, tạm thời chưa xác định được nguồn lây. Ca bệnh là một nam công nhân 43 tuổi, không có lịch sử du lịch ở bên ngoài, phát hiện mắc bệnh khi đi khám sức khỏe định kỳ. Giới chức y tế Hong Kong cho rằng trường hợp này có tải lượng virus thấp và không có triệu chứng, cần phải quan sát và điều tra theo dõi để đánh giá mức độ nguy hiểm đối với cộng đồng. Tính đến nay, Hong Kong ghi nhận 11.994 ca mắc COVID-19, trong đó có 212 ca tử vong.
Thành phố Sydney đã ghi nhận ca tử vong do COVID-19 là nam thanh niên khoảng 20 tuổi. Đây là một trong những ca tử vong do COVID-19 trẻ nhất ở Australia. Bệnh nhân chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, đã tử vong khi đang cách ly tại nhà ngày thứ 13 sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và sức khỏe xấu đi nhanh chóng. Thanh niên này sống cùng 1 người cũng đã phải nhập viện do mắc COVID-19. Giới chức y tế Australia nhấn mạnh ca tử vong này cho thấy nguy cơ của virus SARS-CoV-2 cũng như tầm quan trọng của việc tiêm vaccine ngừa bệnh. Trong 24 giờ qua, thành phố này ghi nhận 233 ca mắc mới, tăng 34 ca so với một ngày trước đó, đưa tổng số ca mắc tại đây lên hơn 4.000 ca.
Từ ngày 8/8, Israel sẽ áp dụng quy định đeo khẩu trang đối với những người dự các sự kiện ngoài trời, bao gồm cả những sự kiện với hơn 100 người tham gia. Quy định về giấy thông hành xanh cũng sẽ được áp dụng đối với các sự kiện có dưới 100 người tham gia, sau khi được tái áp đặt đối với các cuộc tụ tập, hội họp trên 100 người từ ngày 29/7. Giấy thông hành xanh chỉ cho phép những người đã được tiêm vaccine đến các phòng tập thể dục, rạp hát, nhà thờ, thánh đường và những nơi khác. Trong khi đó, 50% số nhân viên của các cơ quan nhà nước cũng như các văn phòng chính phủ sẽ ở nhà làm việc trực tuyến, còn nhân viên các công ty tư nhân được khuyến nghị làm việc hoàn toàn từ xa.
Nhằm khống chế số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh, chính quyền Maroc quyết định kéo dài lệnh giới nghiêm trên toàn quốc và tăng cường các biện pháp hạn chế đi lại đến 3 thành phố lớn. Cụ thể, lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài từ 21h tối hôm trước đến 5h sáng hôm sau, thay vì từ 23h hôm trước tối hôm trước đến 4h30 sáng hôm sau như quy định được áp dụng từ tháng 12/2020. Nhà chức trách cũng cấm các cuộc tụ tập, hội họp trên 25 người. Các khách sạn được hoạt động chỉ với 75% công suất. Những biện pháp hạn chế hiện đang được áp dụng sẽ tiếp tục có hiệu lực, bao gồm cả lệnh cấm tổ chức đám cưới và đám tang; giảm 50% công suất hoạt động của phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, của các quán cà phê và nhà hàng.