Ở tuổi 29, Spandan Sharma không sở hữu nhà riêng, xe hơi hay thậm chí là một chiếc ghế. Anh nằm trong số bộ phận giới trẻ ngày càng đông đảo ở Ấn Độ đang phá vỡ các quy tắc truyền thống và đi thuê mọi thứ từ đồ nội thất đến điện thoại.
“Thế hệ của chúng tôi muốn tự do và trước đó những gì được coi là ổn định thì giờ bị xem là dấu hiệu bị trói buộc. Bố mẹ chúng tôi hoàn toàn không thể hiểu được khái niệm thuê đồ đạc. Họ cho rằng mua sẽ tốt hơn là thuê dài hạn”, Sharma chia sẻ với hãng thông tấn AFP.
4.247 rupee (gần 1,4 triệu đồng) một tháng là chi phí để anh Sharma, sống ở Mumbai, thuê đồ đạc cho cả căn nhà, từ phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn cũng như tủ lạnh và lò vi sóng.
Spandan Sharma không hề đơn độc khi chọn lối sống này. Hàng chục ngàn người trẻ ở Ấn Độ cũng đang làm tương tự. Doanh nhân trẻ Vandita Morarka cho biết thậm chí các doanh nghiệp cũng đi thuê đồ đạc văn phòng.
Khi Moraka xây dựng tổ chức phi lợi nhuận “One Future Collective” vì nữ quyền năm 2017, cô thuê gần như toàn bộ mọi thứ cần thiết và dành số tiền tiết kiệm được để trả lương cho 25 nhân viên. Cô gái 25 tuổi nói: “Từ bàn ghế đến máy tính xách tay, tôi thuê mọi thứ với mức giá dễ chịu. Cách thức này cho phép tôi thêm tài chính để đối phó với rủi ro. Trong trường hợp chúng tôi thất bại, chúng tôi có thể dừng hoạt động mà không bị mất khoản chi phí đầu tư lớn và bắt đầu lại tại bất kỳ đâu”.
Từ ứng dụng đi chung xe đến chung văn phòng làm việc, nền kinh tế dùng chung đã trở thành hiện tượng toàn cầu, được hãng PwC dự báo đạt doanh thu hàng năm lên đến 335 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Mỹ, các trang web như Rent the Runway và Nuuly cho phép các tín đồ thời trang thuê nhiều quần áo thay vì mua. Trong khi đó ở Trung Quốc, khách hàng có thể thuê xe BMW chỉ bằng một cú nhấn qua điện thoại thông minh.
Ở Ấn Độ, sự bùng nổ xu thế này đã dẫn đến sự gia tăng của những công ty cho thuê đồ nội thất và gia dụng như Furlenco, RentoMojo và GrabOnRent, cùng với nhiều ứng dụng hỗ trợ thuê đồ trang sức, trong những năm gần đây.
Lĩnh vực này là một điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ giảm tốc do nhu cầu của người tiêu dùng suy yếu, kể cả ngành ô tô luôn dẫn đầu. Theo hãng tư vấn Research Nester, chỉ riêng thị trường cho thuê đồ nội thất ở quốc gia Nam Á này sẽ trị giá 1,89 tỷ USD vào năm 2025.
“Chúng tôi kỳ vọng đạt được 1 triệu đơn thuê trong vòng chưa đầy 30 tháng”, Geetansh Bamania - nhà sáng lập RentoMojo chia sẻ. Hãng này có trụ sở tại Bangalore, cho thuê đủ loại thiết bị từ nội thất, gia dụng, điện thoại iPhone và thiết bị tập gym. Theo Bamania, giới trẻ đặc biệt thích thuê điện thoại thông mình vì họ có thể theo kịp công nghệ mới nhất với giá thuê rẻ.
Nhằm hội nhập xu thế này, công ty nội thất Ikea của Thụy Điển hé lộ dự định thử nghiệm mô hình cho thuê tại 30 thị trường từ năm 2020.
Đối với nhiều Millenial, thuê đồ đạc không chỉ là cách sống độc lập hơn, nó còn là cách để tiết kiệm tiền bạc. Khi bố của anh Sharma 29 tuổi, ông đã kết hôn, làm việc tại ngân hàng và dành dụm tiền để mua nhà, mua xe hơi. Sharma chọn cách sống khác hẳn. Anh tập trung đầu tư vào các trải nghiệm.
“Sống ở 5 thành phố khác nhau tại hai đất nước trong vòng 7 năm sẽ là điều không thể tưởng tượng nổi với bố tôi, nhưng đó là hiện thực đối với tôi”, Sharma bày tỏ tâm tư.