Theo hãng tin Reuters (Anh), trong suốt nhiều tháng, Salgy chỉ nhốt mình trong phòng ở thủ đô Kabul để miệt mài ôn luyện, đôi khi quên cả ăn. Lúc cả gia đình quây quần bên chiếc TV khi nhận được kết quả, cô cho biết việc chăm chỉ học hành của mình đã được đền đáp.
"Đó là khoảnh khắc mà tôi cảm thấy như được ai đó ban tặng cho mình cả thế giới. Mẹ tôi đã khóc vì hạnh phúc và tôi cũng khóc cùng bà ấy", Salgy chia sẻ.
Nhưng niềm hạnh phúc chưa kéo dài được bao lâu thì đã Salgy đã chuyển dần sang trạng thái lo lắng, khi cô nhớ lại những sự kiện đã xảy ra vào những tuần trước. Sau khi phần lớn lực lượng Mỹ còn lại rút khỏi Afghanistan, Taliban đã bắt đầu một cuộc tiến công chớp nhoáng trên khắp đất nước, với đỉnh điểm là sự thất thủ của Kabul vào ngày 15/8.
Salgy chia sẻ với Reuters: "Chúng tôi đang đối mặt với một tương lai bất định. Tôi không biết rằng điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi nghĩ mình là người may mắn nhất nhưng thực tế lại là không may mắn nhất".
Gần 2/3 người Afghanistan dưới 25 tuổi và cả một thế hệ thậm chí không thể nhớ được những gì về Taliban, lực lượng đã cai trị Afghanistan từ năm 1996 cho đến khi bị lực lượng dân quân do phương Tây hậu thuẫn lật đổ vào năm 2001. Trong thời gian đó, Taliban đã thực thi nghiêm ngặt luật Hồi giáo, cấm trẻ em gái đến trường, phụ nữ đi làm và thực hiện các vụ hành quyết đẫm máu nơi công cộng. Kể từ năm 2001, các chiến binh đã chiến đấu với một cuộc nổi dậy, trong đó hàng ngàn người Afghanistan đã chết.
Kể từ khi nắm lại quyền lực, Taliban đã nhanh chóng trấn an sinh viên rằng việc học của họ sẽ không bị gián đoạn, lực lượng này cũng nói rằng sẽ tôn trọng quyền phụ nữ và kêu gọi các chuyên gia tài năng không rời khỏi đất nước.
Nhưng đã quen cuộc sống với điện thoại di động, nhạc pop, "thế hệ Z" - thế hệ sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012 ở Afghanistan - giờ đang lo sợ một số quyền tự do sẽ bị tước mất, theo cuộc phỏng vấn một số người Afghanistan, sinh viên và các chuyên gia trẻ.
Sosan Nabi, 21 tuổi, một sinh viên mới tốt nghiệp, cho biết: "Tôi đã lập những kế hoạch lớn và tất cả những mục tiêu phát triển bản thân trong 10 năm tới. Chúng tôi đã hy vọng về cuộc sống tươi đẹp, hy vọng về sự thay đổi. Nhưng chỉ trong một tuần, Taliban đã tiếp quản đất nước và trong 24 giờ họ đã lấy đi mọi niềm hy vọng của chúng tôi. Những giấc mơ vụt tắt trước mắt chúng tôi. Tất cả chỉ là hư vô".
Tự do có thể bị tước đoạt
Vào sáng ngày 15/8, khi Taliban tiến gần đến Kabul, Javid, 26 tuổi, vội vã từ trường đại học nơi anh làm việc sau khi tốt nghiệp trở về nhà. Anh từ chối cung cấp tên đầy đủ của mình vì sợ bị trả thù.
Javid lập tức xóa tất cả các email và tin nhắn trên mạng xã hội mà anh đã chia sẻ với các tổ chức và chính phủ nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Anh đã đốt tất cả chứng chỉ do chương trình phát triển do Mỹ tài trợ và đập vỡ chiếc cúp thủy tinh mà anh đã nhận được.
Nhiều người Afghanistan làm việc cho các tổ chức ở nước ngoài đã cố gắng chạy trốn khỏi đất nước trong 2 tuần qua. Với những câu chuyện về Taliban từ cha mẹ kể lại, một số người trẻ tuổi cho biết họ rất hoảng sợ, bất kể tình hình thực tế đang như thế nào. Nhiều người trong số họ, lần đầu tiên được chứng kiến cảnh các tay súng Taliban đi tuần tra trên đường phố Kabul. Bên cạnh sự an toàn của bản thân, những người trẻ tuổi cho biết họ lo lắng các quyền tự do khác sẽ bị tước đoạt.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ nhập học trung học cơ sở tại Afghanistan tăng từ 12% năm 2001 lên 55% năm 2018. Từ thời điểm mà một đài phát thanh chủ yếu phát đi các lời kêu gọi cầu nguyện và giáo lý tôn giáo, đến nay, đất nước này hiện có khoảng 170 đài phát thanh, hơn 100 tờ báo và hàng chục đài truyền hình. Đó là chưa kể đến điện thoại thông minh và Internet - không tồn tại dưới sự cai trị của Taliban - đã trở nên phổ biến hơn, cho phép những người trẻ tuổi tiếp cận với các thông tin bên ngoài biên giới Afghanistan.
Elaha Tamim, một cô gái 18 tuổi vừa thi đỗ đại học cho biết những điều này trước kia chưa bao giờ tồn tại dưới thời cai trị của Taliban.
"Internet là thứ mà chúng tôi sử dụng mọi lúc mọi nơi. Chúng tôi dùng để giải trí và khám phá những gì đang xảy ra ở phần còn lại của thế giới. Tôi không muốn mất đi điều đó", Tamim chia sẻ.
Quyền phụ nữ mong manh
Một số phụ nữ trẻ cũng đang vô cùng lo lắng về số phận của họ trước sự cai trị của Taliban. Theo WB, số trẻ em gái học tiểu học đã tăng từ con số 0 dưới thời Taliban lên hơn 80%.
Dù Taliban đã tuyên bố sẽ tôn trọng quyền được đến trường của trẻ em gái trong khoảng thời gian này, nhưng Javid cho biết nhiều sinh viên nữ tại trường đại học của anh ta đã ngừng đến lớp vì sợ hãi.
“Tôi lớn lên trong một môi trường mà chúng tôi được tự do đi học, tự do vui chơi. Mẹ tôi đã kể cho tôi nghe những câu chuyện về quãng thời gian cay đắng của bà khi Taliban cai trị. Những câu chuyện đó thật đáng sợ”, Tamim chia sẻ.
Trên mạng xã hội Twitter, Ammar Yasir, thành viên văn phòng chính trị của Taliban tại Doha, đã đích thân chúc mừng Salgy - học sinh đứng đầu trong kỳ thi tuyển sinh đại và được tuyển thẳng vào trường Y.
Giờ đây, Sagly hy vọng cô sẽ thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ của mình, bất chấp điều gì có thể xảy ra trong tương lai bất định. "Nếu Taliban cho phép các cô gái được học đại học và không cản trở điều đó thì là điều tốt. Còn nếu không thì mọi cố gắng, đấu tranh cả đời của tôi sẽ gặp nhiều rủi ro", Sagly nói.
Mặc dù đã được đảm bảo tính mạng, một số người Afghanistan được Reuters phỏng vấn cho biết họ rất muốn rời đi, nhưng không biết làm thế nào.
"Nếu tôi nghĩ rằng việc ở lại sẽ mang lại bất kỳ hy vọng thay đổi tích cực nào, thì tôi cũng như hàng nghìn người trẻ khác, sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của mình vì điều đó. Nhưng tất cả chúng tôi đều biết điều đó không bao giờ trở thành hiện thực", Naby nói.