Theo tờ The Telegraph, ngày 13/2, Tổng thư ký Stoltenberg cho biết tỷ lệ sử dụng đạn dược hiện tại của Ukraine cao hơn nhiều lần so với tốc độ sản xuất hiện tại của NATO. Ông nói: “Điều này đặt các ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta vào tình trạng căng thẳng”.
Trong hai câu nhận định trên, ông Stoltenberg đã xác nhận một trở ngại lớn mà phương Tây gặp phải khi nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Đây là một vấn đề mà các chuyên gia đã nhấn mạnh kể từ những tháng đầu tiên của cuộc xung đột: phương Tây đang cạn dần đạn dược để cung cấp cho Ukraine.
Tổng thư ký NATO cho biết Nga đã bắt đầu cuộc tấn công ở miền Đông Ukraine khi Điện Kremlin hy vọng giành được thế chủ động trước thêm một năm diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt. Ông Stoltenberg nói với các phóng viên tại trụ sở của NATO ở Brussels: “Rõ ràng là chúng ta đang đua nhau về hậu cần. Các khả năng chính như sản xuất đạn dược phải đến Ukraine trước khi Nga có thể giành thế chủ động trên chiến trường. Một cuộc chiến tiêu hao trở thành một cuộc chiến hậu cần. Chúng ta có thử thách. Chúng ta có vấn đề nhưng chúng ta có chiến lược để giải quyết vấn đề đó”.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov gặp người đồng cấp của các thành viên NATO, ông Stoltenberg sẽ yêu cầu họ tăng cường đáng kể gửi đạn pháo để củng cố lực lượng phòng thủ của Ukraine.
Trong thực thế, các lực lượng Ukraine ước tính bắn khoảng 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày, còn Nga sử dụng 20.000 quả.
Tuy nhiên, thời gian chờ đợi để nhận loại đạn cỡ nòng lớn đã tăng từ 12 tháng lên 28 tháng. Do đó, theo Tổng thư ký NATO, họ cần đẩy mạnh sản xuất và đầu tư vào năng lực sản xuất.
Các quan chức phương Tây đã nhiều lần cảnh báo rằng kết quả của cuộc xung đột ở Ukraine sẽ phụ thuộc vào khả năng của phương Tây trong cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine. Bà Julianne Smith, Đại sứ Mỹ tại NATO, cho biết các đồng minh cần chuyển mọi thứ nhanh nhất có thể cho Ukraine.
Trên thực tế, Ukraine không sử dụng quá nhiều đạn pháo so với các cuộc xung đột trước đây. Thay vào đó, tình trạng thiếu hụt này là bằng chứng rõ ràng cho thấy NATO cạn đạn dược kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Giờ đây, không thể đẩy nhanh sản xuất đạn dược ngay mà sẽ phải giải quyết một số vấn đề.
Về phần mình, Nga cũng cần một lượng lớn đạn dược. Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin đã đặt toàn bộ nền kinh tế vào tình thế chiến tranh. Nga không phải chịu những ràng buộc thương mại giống như ngành công nghiệp quốc phòng của NATO. Hơn nữa, các nhà sản xuất Nga không bị hạn chế về các vấn đề an toàn công nghiệp.
Do đó, có thể nói Nga đang có điều kiện hơn NATO trong sản xuất đạn dược phục vụ cuộc xung đột ở Ukraine. Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng phương Tây đổ thêm vũ khí vào Ukraine sẽ chỉ làm kéo dài xung đột và làm tăng nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO. Điện Kremlin nói rằng, bất cứ lô vũ khí nước ngoài nào vào Ukraine đều là mục tiêu tấn công chính đáng của Nga.
Ngày 14/2, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho rằng NATO đang ngày càng thể hiện rõ sự thù địch đối với Nga và can thiệp nhiều hơn vào cuộc xung đột ở Ukraine. Phát biểu với báo giới, ông Peskov khẳng định điều này đòi hỏi những biện pháp phòng ngừa nhất định.