Vào ngày 15/4, 100 ngày trước khi sự kiện bắt đầu, Tổng thống Emmanuel Macron nói với kênh truyền hình BFMTV/RMC rằng Pháp đã đầu tư 2 tỷ euro cho các quỹ công cộng để xây dựng cơ sở vật chất cần thiết cho Thế vận hội. “Nhà ở, văn phòng, cơ sở thể thao. 2 tỷ euro này đã tạo ra các doanh nghiệp trị giá hơn 6 tỷ euro. Chúng tôi đã mở ra cơ hội kinh doanh cho 2.000 công ty và tạo ra nhiều việc làm”, ông Macron nói.
Ngân sách chính thức cho Thế vận hội Olympic và Paralympic 2024 hiện ước tính khoảng 8,8 tỷ euro, tăng 15% so với con số được công bố khi Pháp nộp hồ sơ dự thầu vào năm 2017.
“Trong các kỳ Thế vận hội trước, một số khoản ngân sách nhất định đã đội lên gấp 7 hoặc 8 lần, vì vậy vấn đề trượt giá cũng không bị loại trừ đối với Pháp. Sự gia tăng này có thể được giải thích là do lạm phát, như một phần của dự án kéo dài nhiều năm”, Christophe Lepetit, Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Luật và Kinh tế Thể thao (Center de droit et d'économie du sport - CDES), nói.
Trong một báo cáo về Thế vận hội Olympic công bố vào tháng 7/2023, Tòa án Kiểm toán châu Âu giải thích: “Gia tăng ngân sách sau khi đấu thầu một phần là kết quả của lạm phát đối với việc tổ chức Thế vận hội, vốn cao hơn nhiều so với dự toán. Tuy nhiên, mức tăng này không phải do sự lỏng lẻo trong quản lý hoặc những thay đổi thiếu cân nhắc đối với các dự án, mà là do đánh giá thấp nguồn vốn khi đấu thầu”.
Theo số liệu mới nhất, Ban tổ chức Thế vận hội (OCOG) đã đảm bảo sẵn sàng 4,4 tỷ euro để đón các vận động viên và tổ chức các cuộc thi đấu, 97% trong số đó là từ các nguồn tư nhân. Thêm 4,4 tỷ euro (50% trong số này là tài trợ công) cũng đang được cung cấp cho SOLIDEO (Société de Livraison des Ouvrages Olympiques) chịu trách nhiệm giám sát việc xây dựng và cải tạo cơ sở hạ tầng thể thao và phi thể thao.
Tổng cộng, ngân sách dành cho sự kiện trên tương đương 0,4% GDP của Pháp, một con số tương tự như Thế vận hội ở London năm 2012. Con số này chưa tính đến chi phí phát sinh.
Dự kiến sẽ có hơn 15 triệu du khách đến Pháp trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội. Câu hỏi đặt ra là liệu hoạt động kinh doanh do Thế vận hội tạo ra có thể bù đắp được số tiền bỏ ra hay không?
Theo báo cáo của ODDO-BHF, tác động của Thế vận hội với lợi ích kinh tế trong trung hạn có thể hạn chế. Báo cáo lưu ý: Không có tác động kinh tế vĩ mô đáng kể nào, nhưng sẽ có những tác động đến kinh tế vi mô và ngành, ví dụ như trong các lĩnh vực truyền thông, khách sạn, giải trí, ăn uống, đồ uống, hàng tiêu dùng và giao thông.
Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Asterès, chi tiêu liên quan đến việc tổ chức Thế vận hội dự kiến sẽ tạo ra 5,3 tỷ euro doanh thu thuế và an sinh xã hội, một số tiền tương đương với chi tiêu công phát sinh. Thế vận hội Olympic có thể hỗ trợ tăng trưởng của Pháp trong mùa hè, với mức tăng trưởng GDP là 0,5% trong quý 3, trước khi giảm xuống 0,1% trong ba tháng tiếp theo.
Tóm lại, sẽ rất khó để vẽ ra một bức tranh đầy đủ về doanh thu tài chính thực tế trước khi sự kiện kết thúc. Ông Lepetit kết luận: “Chúng tôi không tổ chức một sự kiện thể thao để tạo ra tăng trưởng kinh tế, mà vì lý do địa chính trị và xã hội, để định vị nước Pháp trên trường quốc tế”. Như vậy, tất cả những gì tiếp theo là Pháp cần đảm bảo rằng không có vấn đề gì về công tác tổ chức hoặc an ninh làm gián đoạn các cuộc thi đấu.