Tây Ban Nha hiện là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sau Italy.
Thông báo trên được đưa ra sau khi chính phủ nước này áp đặt lệnh phong tỏa đối với gần như toàn bộ đất nước, trong đó cấm người dân ra khỏi nhà, trừ trường hợp đi làm, chăm sóc y tế hoặc mua thực phẩm.
Cùng ngày, Hà Lan đã xác nhận thêm 8 trường hợp tử vong vì virus SARS-CoV-2. Theo Viện Y tế Công cộng Quốc gia Hà Lan (RIVM), số ca mắc COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 176 người lên 1.135 người.
* Theo phóng viên TTXVN tại Đức, Đức đã quyết định đóng cửa biên giới với 3 nước Áo, Pháp và Thụy Sĩ trong nỗ lực hạn chế tình trạng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và thủ hiến 4 bang của Đức đã điện đàm và nhất trí đóng cửa biên giới với ba nước láng giềng phía Tây Nam bắt đầu từ 8h sáng ngày 16/3 theo giờ Đức. Các bên nhất trí siết chặt kiểm soát vùng biên giới và đưa trả lại các trường hợp ra ngoài biên giới Đức, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa vẫn đảm bảo lưu thông.
Hiện các trường học ở 16 bang của Đức đều đã đóng cửa, trong khi đa số các quán bar, nhà hàng, vũ trường và các cơ sở công đều đã bị đóng cửa. Tính đến 15h ngày 15/3 (theo giờ Đức), trên cả nước Đức đã ghi nhận 5.426 ca nhiễm SARS-CoV-2, với 11 ca tử vong.
* Theo phóng viên TTXVN tại Rome, cũng trong ngày 15/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte khẳng định chính phủ ưu tiên đảm bảo an toàn sức khỏe cho các y, bác sĩ và các nhân viên y tế, những người đang đảm đương việc chăm sóc người dân trong tình trạng khẩn cấp dịch COVID-19. Thủ tướng Conte nêu rõ chính phủ đang nỗ lực liên hệ với các đối tác để có thể đặt mua và nhận được các thiết bị bảo vệ y tế trong thời gian sớm nhất.
Cùng ngày, trên mạng xã hội Facebook, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết Pháp và Đức đã chính thức gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang y tế, trang thiết bị chống lây nhiễm. Trong khi đó, Ủy viên Thị trường nội bộ EU Thierry Breton cũng thông báo Chính phủ Đức tuyên bố sẽ gửi 1 triệu khẩu trang y tế tới Italy để hỗ trợ nước này ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Mặt hàng khẩu trang y tế đang trở nên khan hiếm tại Italy trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh tại quốc gia này. Trên thực tế, Cơ quan Bảo vệ dân sự Italy cho rằng do khẩu trang y tế bị xem là mang lại lợi nhuận thấp nên các nhà khai thác không đẩy mạnh đầu tư sản xuất. Do đó, chính phủ đang xem xét cơ chế thúc đẩy sản xuất khẩu trang y tế tại thị trường trong nước. Hiện Công ty Consip (Công ty quản lý hoạt động mua sắm công trực thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính Italy) cũng đã đặt mua 3.800 máy hỗ trợ hô hấp, 30 triệu khẩu trang y tế, hơn 7.000 găng tay, 13 bộ quần áo bảo hộ y tế và 390 nghìn que thử virus SARS-CoV-2 để cung ứng kịp thời cho các bệnh viện.