Ba quốc gia mới ký kết tham gia Hiệp ước gồm Saint Vincent và Grenadines, Jamaica và Nambia. Việc ký hiệp ước này phản ánh cam kết của các quốc gia ủng hộ một thế giới không bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân và điều này cũng đảm bảo các quốc gia cam kết chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích hòa bình. Các quốc gia này sẽ triển khai các quy trình pháp lý để chuẩn bị cho việc phê chuẩn hiệp ước tại đất nước của mình.
Như vậy, cho tới nay có tổng cộng 56 quốc gia đã ký kết tham gia hiệp ước và 3 quốc gia phê chuẩn. Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân sẽ bắt đầu có hiệu lực 90 ngày sau khi nhận được sự phê chuẩn của 50 quốc gia. Các nhà vận động hy vọng sẽ đạt được mục tiêu này trong tương lai gần bất chấp sự phản đối của một số nước, trong đó có 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Anh, Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là hiệp định quốc tế mang tính ràng buộc pháp lý đầu tiên về cấm toàn bộ vũ khí hạt nhân với mục đích hướng tới việc loại trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Hiệp ước này được LHQ chính thức thông qua vào ngày 7/7 vừa qua tại một cuộc họp có sự tham gia của 124 quốc gia trên tổng số 193 quốc gia thành viên LHQ. Trong khi các quốc gia ủng hộ cho rằng đây là một bước đi quan trọng thì hầu hết các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều tẩy chay các vòng đàm phán chuẩn bị nội dung của hiệp ước này.
Ngoài ra, không một quốc gia nào trong số 9 nước có vũ khí hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel tham gia vào quá trình xây dựng nội dung hay bỏ phiếu thông qua. Các cường quốc phương Tây cho rằng hiệp ước này không giải quyết được những quan ngại an ninh về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cũng như những thách thức an ninh khác. Các quốc gia sở hữu hạt nhân muốn duy trì kho vũ khí nguyên tử như một công cụ phòng vệ và răn đe cần thiết trước hành vi tấn công hạt nhân.