Cùng ngày, Chính phủ Ai Cập tuyên bố sẽ triển khai hàng loạt giải pháp mới để hỗ trợ nền kinh tế trong nỗ lực hạn chế những tác động của dịch COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Cụ thể, Chính phủ Ai Cập sẽ hạ giá khí đốt tự nhiên và giá điện cho ngành công nghiệp nặng, đồng thời hỗ trợ 1 tỷ bảng Ai Cập (63,5 triệu USD) cho các nhà xuất khẩu đang gặp khó khăn. Bên cạnh đó, Chính phủ Ai Cập cam kết không tăng giá điện đối với các ngành sản xuất khác trong vòng 3-5 năm tới. Đây là một phần trong gói giải pháp nhằm hỗ trợ kinh tế đối phó với tác động của dịch COVID-19.
Đối với thị trường chứng khoán, Ai Cập cũng thông báo giảm thuế trước bạ cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời giảm thuế cổ tức đối với các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán xuống mức 5%.
Cùng ngày, Bộ Công thương Ai Cập ra quyết định cấm xuất khẩu các trang thiết bị, vật tư y tế phòng ngừa dịch bệnh như khẩu trang và cồn khử trùng trong 3 tháng tới, nhằm đảm bảo nguồn cung các sản phẩm này trong khuôn khổ hàng loạt biện pháp của chính phủ nhằm bảo vệ sức khỏe người dân trước đại dịch COVID-19. Động thái này được đưa ra sau khi Ai Cập xuất khẩu một lượng lớn trang thiết bị phòng ngừa dịch bệnh tới các quốc gia đang là tâm dịch COVID-19.
Cũng ngày, Bộ trưởng Y tế Gambia Ahmadou Lamin Samateh thông báo Gambia ghi nhận ca đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi chính phủ nước này công bố các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Trong thông báo được phát trên truyền hình, Bộ trưởng Samateh cho biết các quan chức ở quốc gia Tây Phi này xác nhận ca mắc bệnh là một phụ nữ trẻ tuổi mới từ Anh đến. Người này được xác nhận là dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi có triệu chứng sốt và tự cách ly.
Trước đó, Tổng thống Gambia Adama Barrow thông báo các biện pháp chống lại sự lây lan của SARS-CoV-2, bao gồm cấm tụ tập ở nơi công cộng cũng như đóng cửa trường học trong vòng 3 tuần, bắt đầu từ ngày 18/3. Theo Tổng thống Gambia, du khách tới từ các quốc gia chịu ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ phải cách ly trong 2 tuần.
Bộ Y tế Algeria cũng xác nhận thêm 1 ca tử vong do COVID-19. Đây là một nam giới 50 tuổi, sinh sống tại tỉnh Blida, cách thủ đô Algiers khoảng 50 km. Người này bị bệnh mãn tính và từng tiếp xúc với người nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Tính đến 15h chiều 17/3 (theo giờ địa phương), Algeria đã ghi nhận 60 trường hợp nhiễm loại virus này, trong đó 5 người đã tử vong. Từ tâm dịch ban đầu là tỉnh Blida, một loạt các tỉnh, thành phố khác ở Algeria đã phát hiện các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune tuyên bố đóng cửa tất cả các biên giới trên đất liền, cũng như tạm dừng khai thác các tuyến chở hành khách bằng đường hàng không và đường biển. Bên cạnh đó, ông Tebboune cũng ra lệnh nghiêm cấm tất cả các cuộc tuần hành và biểu tình. Việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm và tất cả các sản phẩm chiến lược cũng bị cấm vô thời hạn. Cùng ngày, Bộ Tôn giáo Algeria yêu cầu không tổ chức các buổi cầu nguyện và các hoạt động tôn giáo vào thứ Sáu hàng tuần.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Bộ Y tế Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cho biết nước này đã phát hiện thêm 15 ca nhiễm SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở UAE lên thành 113 trường hợp.
Trong khi đó, số người mắc COVID-19 ở Qatar hiện đã lên tới 442 trường hợp. Để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19, nhà chức trách Qatar tuyên bố sẽ đóng cửa một phần khu công nghiệp tập trung của nước này trong thời gian 14 ngày.
Cùng ngày, truyền hình nhà nước Oman đưa tin nước này đã đóng cửa các thánh đường Hồi giáo, tất cả các cửa hàng thuộc các trung tâm mua sắm lớn ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm và dược phẩm. Ngoài ra, Oman cũng đóng cửa tất cả các điểm du lịch, câu lạc bộ thể thao đồng thời cấm tụ tập đông người tại những điểm công cộng.
Về phần mình, Bộ Y tế Iraq thông báo thêm một ca tử vong và thêm 21 ca mắc COVID-19 tại nước này, theo đó tổng số ca nhiễm bệnh tại đây lên thành 154 ca và tổng số người tử vong là 11 người.
Từ ngày 18/3, Lực lượng cấp cứu quốc gia (MDA) của Israel mở rộng hoạt động xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 trên khắp cả nước, trong đó có các trạm xét nghiệm nhanh 24/7. Với các trạm này, người dân có thể lái xe vào, tiến hành xét nghiệm và nhanh chóng rời đi mà không cần rời khỏi xe, tương tự như phương pháp kiểm tra nồng độ cồn được áp dụng ở nhiều nước phương Tây.
Các trạm xét nghiệm 24/7 này sẽ được thiết lập ở những khu ngoài trời rộng rãi, như bãi đỗ xe của sân vận động, và hoạt động cả ngày lẫn đêm. Thành phần tham gia gồm nhân viên cấp cứu, cảnh sát và lực lượng an ninh khác. Một số trạm đầu tiên dự kiến sẽ được triển khai tại thành phố Tel Aviv từ ngày 18/3 và sẽ mở rộng sang nhiều thành phố khác sau đó 5 ngày. Theo MDA, các trạm xét nghiệm nhanh đủ khả năng thực hiện hàng trăm ca xét nghiệm mỗi ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Bộ Y tế Israel cũng vừa ban hành các hướng dẫn mới, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, trừ các trường hợp đặc biệt như mua thực phẩm, nhận trợ giúp y tế hay có công việc quan trọng. Hướng dẫn mới của Bộ Y tế cũng cấm người dân tới công viên, sân chơi trẻ em, bãi biển, viện bảo tàng và những nơi công cộng khác.
Cũng trong ngày 17/3, Bahrain đã công bố gói tài chính 11,39 tỷ USD để khắc phục hậu quả của dịch COVID-19. Theo Bộ Tài chính Bahrain, những biện pháp sẽ được áp dụng bao gồm hỗ trợ thanh toán tiền điện và nước cho các cá nhân và công ty trong thời gian 3 tháng kể từ tháng 4 tới. Ngoài ra, nhà chức trách Bahrain cũng áp dụng quy chế miễn thuế cho các cơ sở du lịch trong thời gian 3 tháng, cũng kể từ tháng 4 tới.