Báo cáo thường niên của FAO nêu rõ gần 40 triệu người đã rơi vào cảnh "mất an ninh lương thực nghiêm trọng" trong năm 2021. Trong số 53 nước phải đối mặt với vấn đề trên, hầu hết người bị ảnh hưởng đang sống tại CHDC Congo, Ethiopia, Yemen và Afghanistan - nơi hàng triệu người đối mặt với tình trạng thiếu ăn khi nước này chìm trong khủng hoảng tài chính sau khi Taliban giành quyền kiểm soát từ giữa năm 2021.
LHQ xác định "mất an ninh lương thực nghiêm trọng" là khi một người không có khả năng ăn uống đầy đủ khiến tính mạng của họ gặp nguy hiểm. FAO cho biết: "Tình trạng thiếu ăn này có nguy cơ trở thành nạn đói và làm nhiều người chết hàng loạt".
Con số đang tăng bền vững kể từ khi báo cáo đầu tiên được FAO, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Liên minh châu Âu (EU) công bố năm 2016. Mức tăng năm 2021 "là do sự cộng gộp của 3 nhân tố gồm xung đột, thời tiết cực đoan và các cú sốc kinh tế", làm 53 quốc gia bị ảnh hưởng. Cụ thể, xung đột và mất an ninh là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng tại 24 quốc gia, ảnh hưởng đến 139 triệu người. Các cú sốc kinh tế, càng tồi tệ hơn do tác động của đại dịch COVID-19, ảnh hưởng tới 30,2 triệu người tại 21 quốc gia. Điều kiện thời tiết cực đoan là nguyên nhân chính gây mất an ninh lương thực nghiệm trọng của 23,5 triệu người ở 8 nước châu Phi.
Dù báo cáo không tính đến xung đột tại Ukraine, FAO cho biết đây là nhân tố "tác động lớn nhất đến các cuộc khủng hoảng lương thực và những nước đứng bên bờ vực nghèo đói".
Nga và Ukraine là các nhà xuất khẩu chính các loại nông sản quan trọng từ lúa mỳ đến dầu hướng dương và phân bón. FAO từng dự báo rằng cuộc xung đột này sẽ đẩy giá lương thực thế giới lên mức cao nhất từ trước tới nay. FAO nhấn mạnh: "Xung đột tại Ukraine đã khẳng định bản chất phụ thuộc lẫn nhau và sự mong manh của các hệ thống lương thực toàn cầu".
FAO cho biết rằng một số nước đang ứng phó với các cuộc khủng hoảng lương thực chính đã có được hầu hết lượng lúa mỳ nhập khẩu từ Nga và Ukraine trong năm ngoái, trong đó có Somalia, CHDC Congo và Madagascar. FAO cảnh báo "triển vọng phía trước không tốt. Nếu không làm nhiều hơn để hỗ trợ các cộng đồng nông thôn, mức độ thiếu ăn và mất kế sinh nhai sẽ rất kinh khủng". FAO nhấn mạnh "cần hành động nhân đạo khẩn cấp ở quy mô lớn để ngăn điều này xảy ra".
FAO cho biết cần 1,5 tỷ USD để ổn định và tăng sản xuất lương thực tại các vùng có nguy cơ, đồng thời nhấn mạnh: "Không còn thời gian để lãng phí".