Thêm hai lính Mỹ bị bắn chết tại Ápganixtan

Giới chức Ápganixtan cho biết ngày 1/3, hai lính Mỹ bị bắn chết trong một vụ tấn công liên quan đến ít nhất một binh sĩ Ápganixtan và một dân thường.


Vụ việc xảy ra tại một địa điểm đóng quân thuộc tỉnh Kandahar, miền nam Ápganixtan, là vụ tấn công thứ hai trong vòng một tuần nhằm vào lính Mỹ. Trước đó, ngày 25/2, hai sĩ quan cao cấp của Mỹ đã bị một nghi can là sĩ quan cảnh sát Ápganixtan bắn chết tại trụ sở Bộ Nội vụ Ápganixtan. Giới phân tích cho rằng những vụ việc này làm tăng những nghi ngại về các lực lượng an ninh của Ápganixtan, trong bối cảnh bạo lực leo thang sau vụ lính Mỹ đốt Kinh Côran tại căn cứ của Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu. Đã có ít nhất năm binh sĩ thuộc NATO bị bắn chết kể từ sau vụ đốt khi Kinh Côran này.



Biểu tình bạo động tại Cabun, phản đối việc các bản sao Kinh Côran bị đốt tại một căn cứ quân sự của NATO ở quốc gia Nam Á này, ngày 22/2. Ảnh: AFP/TTXVN



Theo Thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ George Little, hiện chưa rõ động cơ của vụ tấn công ngày 1/3, song thống kê từ tháng 5/2007 đến cuối tháng 1/2012 cho thấy khoảng 70 nhân viên thuộc lực lượng NATO đã bị sát hại trong các vụ "tấn công nội bộ", trong đó một số vụ do tư thù và một số vụ khác do phiến quân Taliban thực hiện.


Đến nay, các quan chức cao cấp nhất của Mỹ, trong đó có Tổng thống Barack Obama, đã lên tiếng xin lỗi về vụ lính Mỹ đốt kinh Côran, nhưng khẳng định đó là hành động không cố ý. Vụ việc đã dẫn đến các cuộc biểu tình liên tiếp tại Ápganixtan và các hành động bạo lực khiến số người chết lên đến hơn 40 người. Liên hợp quốc đã rút các nhân viên quốc tế tại một căn cứ ở miền Bắc Ápganixtan sau khi căn cứ này bị người biểu tình tấn công hôm 25/2. Lực lượng ISAF của NATO cũng đã rút tất cả các cố vấn của mình tại các bộ của Ápganixtan vào cuối tuần trước.


Giới phân tích cho rằng trong bối cảnh thiệt hại về người và tài chính của cuộc chiến của Mỹ tại Ápganixtan gia tăng, chính quyền của Tổng thống Barack Obama sẽ tìm cách dàn xếp một thỏa thuận hòa bình giữa lực lượng Taliban và chính quyền Ápganixtan, với hy vọng nó sẽ mang lại một tương lai ổn định sau khi phương Tây rút quân. Chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng với Tổng thống Barack Obama, người đang chạy đua tái cử. Nhiều khả năng, ông sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng từ một số thành viên trong nội bộ đảng Dân chủ yêu cầu đẩy nhanh việc rút quân Mỹ khỏi Ápganixtan. Trong khi đó, các thành viên đảng Cộng hòa sẽ nắm lấy bất kỳ dấu hiệu nào về rút quân sớm làm cái cớ để chỉ trích ông Obama về việc "sao lãng nhiệm vụ an ninh trọng yếu".


TTXVN/Tin Tức


Vụ đốt kinh Koran hủy hoại nghiêm trọng quan hệ Ápganixtan - Mỹ
Vụ đốt kinh Koran hủy hoại nghiêm trọng quan hệ Ápganixtan - Mỹ

Các nhà phân tích cho rằng làn sóng phẫn nộ của người dân Ápganixtan sau vụ đốt kinh Koran ở một căn cứ quân sự của Mỹ đang đẩy mối quan hệ giữa Ápganixtan và các đồng minh phương Tây vào thời kỳ tồi tệ nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN