Trong một thông cáo báo chí, ông Ige nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Hawaii là sức khỏe và an toàn của cộng đồng toàn bang. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp chính quyền có thể hành động nhanh và hiệu quả hơn trong nỗ lực bảo vệ cộng đồng trước dịch bệnh và cung cấp viện trợ khẩn cấp khi cần thiết.
Lệnh này sẽ có hiệu lực ngay sau khi công bố và kéo dài đến hết ngày 29/4 tới. Tính đến nay, bang Hawaii chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh và hiện đang có 72 cá nhân tự theo dõi với sự giám sát của lực lượng y tế.
Trước đó, giới chức bang California cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sau khi bang này ghi nhận số ca nhiễm bệnh ngày một tăng, đặc biệt là ca tử vong đầu tiên.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Rome, tờ La Stampa của Italy ngày 5/3 đưa tin đã có 2 trường hợp đầu tiên nghi nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại vùng Valle D’Aosta. Đây là vùng miền duy nhất ở Italy cho đến nay chưa ghi nhận ca nhiễm nào, làm dấy lên quan ngại nguy cơ dịch COVID-19 có thể xuất hiện tại tất cả các vùng tại nước này.
Theo La Stampa, chính quyền vùng Valle D’Aosta thông báo kết quả xét nghiệm đã được gửi tới Viện Y tế cấp cao để xác nhận. Trước đó, Cơ quan y tế vùng đã tiến hành xét nghiệm 2 trường hợp nói trên. Kết quả cho thấy cả 2 đều dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai ca nghi nhiễm virus đều có các triệu chứng nhẹ và cùng trong một gia đình.
Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết dịch COVID-19 đã lây lan khắp 19/20 vùng tại Italy, tâm điểm dịch bệnh vẫn tập trung tại 3 vùng phía Bắc nước này gồm Lombardia (1.820 ca), Emilia Romagna (544 ca) và Veneto (360 ca).
Trước tình hình dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, Chính phủ Italy đã quyết định đóng cửa tạm thời tất cả các trường phổ thông và Đại học từ ngày 5/3 đến ngày 15/3. Bên cạnh đó, chính phủ đã thông qua sắc lệnh bổ sung nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan theo đề xuất của Ủy ban Khoa học kỹ thuật về dịch COVID-19. Sắc lệnh mới sẽ có hiệu lực trong vòng 30 ngày và sẽ đánh giá về các giải pháp 2 tuần/1 lần. Một số điểm chính của sắc lệnh mới như: không bắt tay, ôm hôn; duy trì khoảng cách an toàn ít nhất 1m; ngừng các hoạt động tụ tập đông người; dừng các hội thảo, hội nghị, đặc biệt có sự tham gia của các nhân viên y tế, để luôn sẵn sàng trong tình trạng khẩn cấp; người cao tuổi hạn chế ra ngoài, đóng cửa các sân vận động bóng đá (đến ngày 20/3), song cho phép các trận đấu được tổ chức dưới dạng không khán giả; hạn chế người nhà bệnh nhân tới khu vực cấp cứu, và tới thăm người bệnh cùng các biện pháp đảm bảo vệ sinh.
Thứ trưởng Bộ Kinh tế Italy Laura Castelli cũng cho biết hiện chính phủ đang cân nhắc khả năng tăng ngân sách đối phó với dịch COVID từ 3,6 tỷ euro lên 5 tỷ euro (5,6 tỷ USD). Hiện Italy vẫn là "ổ dịch" lớn nhất châu Âu, với số ca nhiễm bệnh lên tới 3.089 và số ca tử vong là 107.
Trong khi đó, cơ quan y tế Đức cũng thông báo các ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh, tới 109 người chỉ trong một ngày. Theo đó, tính đến sáng 5/3 đã có 349 ca nhiễm bệnh trên cả nước, tăng mạnh so với 240 ca trong sáng 4/3. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Đức là bang North Rhine-Westphalia, miền Tây, với 175 ca nhiễm. Hiện Đức chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do COVID-19.