Thêm một bê bối an toàn thực phẩm tại Trung Quốc

Trong một vụ được cho là bê bối an toàn thực phẩm mới nhất tại Trung Quốc, ngày 21/7, giới chức thành phố Thượng Hải đã đóng cửa một nhà máy thuộc hãng cung cấp thực phẩm OSI của Mỹ vì đã bán thịt quá hạn sử dụng cho các nhà hàng lớn, trong đó có McDonald's và KFC.

Trong một tuyên bố, Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Thượng Hải cho biết giới chức thành phố đã đóng cửa nhà máy và tịch thu các sản phẩm bị nghi ngờ dùng thịt quá hạn sử dụng.

Đài truyền hình Thượng Hải cho biết công nhân tại nhà máy OSI ở Trung Quốc đã trộn thịt hết hạn với thịt mới và cố tình lừa dối các thanh tra viên kiểm tra chất lượng của McDonald's.

Theo tờ "Shanghai Daily", ngoài nhà hàng McDoland's và KFC, những khách hàng khác của nhà máy này còn có Burger King, Papa John's Pizza, chuỗi cửa hàng cà phê Starbuck và hãng Subway chuyên sản xuất bánh kẹp.

Một cửa hàng McDonald's tại Trung Quốc.


Cảnh sát Trung Quốc đang tiến hành điều tra vụ việc và dọa sẽ áp mức phạt nặng trong tương lai. Ngay sau đó, hãng McDonald's trong một tuyên bố cho biết đã lập tức ngừng sử dụng các sản phẩm của nhà máy, trong khi KFC và Pizza Hut cũng có hành động tương tự.

Trung Quốc đã bị chấn động bởi một loạt vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm và sản phẩm do việc thực thi các quy định lỏng lẻo và tình trạng làm ăn gian dối của các nhà sản xuất. Một trong những vụ được cho là bê bối thực phẩm nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc xảy ra hồi năm 2008, khi các sản phẩm sữa bị phát hiện có nhiễm hoá chất công nghiệp melamine - nguyên nhân làm ít nhất 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và 300.000 người bị bệnh.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn bán lẻ Walmart của Mỹ tuyên bố siết chặt kiểm soát các nhà cung cấp ở Trung Quốc sau khi hãng này buộc phải thu hồi các sản phẩm thịt lừa nhưng bị phát hiện có trộn lẫn thịt cáo.

Năm ngoái, sau 3 tháng truy quét, Trung Quốc đã bắt giam hàng trăm người vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó liên quan đến việc bán thịt chuột và cáo giả làm thịt bò và thịt cừu.


TTXVN/Tin tức
Người Trung Quốc tẩy chay hàng nội
Người Trung Quốc tẩy chay hàng nội

Quá hoảng sợ trước các thông tin thực phẩm nhiễm độc và bị làm giả tràn lan trong nước, người tiêu dùng Trung Quốc không còn tin tưởng vào hàng nội và bắt đầu tẩy chay sản phẩm trong nước để tự bảo vệ mình. Họ tẩy chay hàng nội bằng hai hình thức: tự cung tự cấp hoặc chuyển sang mua đồ ngoại nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN