Hãng Sky News đưa tin Bộ trưởng phụ trách Gia đình và Trẻ em trong Chính phủ Anh, ông Will Quince, ngày 6/7 đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Boris Johnson.
Ông Will Quince là bộ trưởng thứ ba trong Chính phủ Anh xin từ chức trong vòng 24h qua.
Tờ Telegraph dẫn lời ông Quince cho biết ông "rất buồn và lấy làm tiếc" phải đưa ra quyết định từ chức, song không còn lựa chọn nào khác.
Dư luận cho rằng sự ra đi của Bộ trưởng Quince có thể dẫn tới nhiều quyết định tương tự của các bộ trưởng trong nội các Anh, qua đó đẩy Thủ tướng Johnson vào một tình thế khó khăn chưa từng thấy.
Ngày 5/7 (rạng sáng 6/7 theo giờ Việt Nam), các phương tiện truyền thông đưa tin hai bộ trưởng Nội các Anh đã từ chức để phản đối vai trò lãnh đạo của Thủ tướng nước này Boris Johnson.
Hãng tin Reuters, tổ hợp truyền thông BBC cho biết Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 5/7 đã tuyên bố từ chức trong Chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson.
Trong dòng trạng thái đăng trên trang mạng cá nhân Twitter, ông Rishi Sunak nêu rõ: “Công chúng mong đợi một cách chính đáng rằng chính phủ được vận hành hợp lý, nghiêm túc và hiệu quả. Tôi nhận thấy đây có lẽ là cương vị bộ trưởng cuối cùng mình đảm nhiệm, song tôi tin những tiêu chuẩn này xứng đáng để đấu tranh và đó là lý do vì sao tôi từ chức”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Javid cho biết ông mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Thủ tướng Johnson trong việc điều hành chính phủ sau một loạt bê bối, đồng thời khẳng định ông "không thể tiếp tục phục vụ hết lòng". Ông Javid cho biết thêm nhiều nghị sĩ và dân chúng đã mất niềm tin vào năng lực điều hành của Thủ tướng Johnson.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngay sau đó đã nhanh chóng tiến hành cải tổ nội các, theo đó nhà lãnh đạo Anh đã bổ nhiệm Chánh văn phòng Thủ tướng Steve Barclay làm Bộ trưởng Y tế mới, trong khi Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi được bổ nhiệm làm người thay thế ông Sunak. Đây là đợt cải tổ nội các thứ 11 của ông kể từ khi lãnh đạo Số 10 Phố Downing.
Thủ tướng Boris Johnson có thể sẽ vấp phải nhiều ý kiến đối đầu hơn trong cuộc điều trần trước quốc hội nước này ngày 6/7, sau khi các bộ trưởng cấp cao trong chính phủ của ông từ chức Dự kiến, phiên chất vấn thủ tướng hằng tuần tại Hạ viện Anh sẽ diễn ra vào 11h ngày 6/7 theo giờ GMT (18h cùng ngày theo giờ Việt Nam).
Trong phiên điều trần dự kiến kéo dài nhiều giờ này, Thủ tướng Johnson sẽ phải trả lời chất vấn của chủ tịch các ủy ban Hạ viện, trong đó có những người phản đối ông trong chính nội bộ đảng Bảo thủ cầm quyền.
Thủ tướng Johnson thời gian qua liên tiếp hứng chịu áp lực trên chính trường. Theo số liệu chính thức do Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 22/6, lạm phát hằng năm của Anh đã lên mức cao nhất trong 40 năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lương người lao động, giá cả sinh hoạt của người dân và tạo thêm sức ép đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc duy trì nâng lãi suất.
Áp lực tiếp tục gia tăng đối với đảng Bảo thủ và chính phủ của Thủ tướng Johnson. Kết quả cuộc bầu cử bổ sung ngày 24/6 cho thấy đảng cầm quyền đã để thua ở hai khu vực bỏ phiếu quan trọng là Wakefield cùng Tiverton và Honiton.
Các thành viên khác trong nội các như Ngoại trưởng Liz Truss và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace vẫn thể hiện ủng hộ Thủ tướng Johson.