Phó Giáo sư Jason Kindrachuk tại Đại học Manitoba của Canada cho rằng nhiều khả năng các biến thể này "né" được một số phản ứng miễn dịch có được từ đợt mắc COVID-19 trước đó. Điều này đồng nghĩa chúng ta không có mức độ bảo vệ chống nguy cơ lây nhiễm bệnh tương tự như đã từng có trước đây. Ông nhấn mạnh nếu một người nhiễm virus SARS-CoV-2, hệ miễn dịch của họ sẽ không hoạt động "hết công suất 100%" hoặc tiệm cận ngưỡng cao nhất ngay trong ngày hôm sau, mà điều này cần có một khoảng thời gian nhất định.
Bà Cynthia Carr, nhà dịch tễ học kiêm nhà đồng sáng lập công ty nghiên cứu dịch tễ học Research EPI, nêu rõ miễn dịch với virus SARS-CoV-2 tương tự như việc bị cảm lạnh thông thường khi một người có thể tái mắc nhiều lần. Căn bệnh này không giống như thủy đậu, chỉ mắc một lần trong đời.
Theo bà Cynthia, việc cố tình đẩy mình vào một hoàn cảnh nào đó để mắc COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ lớn hơn đối với ngay chính bản thân người đó. Ngoài ra, càng nhiều người mắc bệnh, càng có nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến thể của virus SARS-CoV-2. Nhà dịch tễ học này cũng khẳng định có khả năng tái nhiễm COVID-19 chỉ trong thời gian ngắn sau lần mắc đầu tiên. Khả năng này xảy ra trong trường hợp virus vẫn "núp" trong cơ thể người ở một tải lượng rất thấp, sau đó, khi người bệnh suy giảm sức khỏe hoặc một số yếu tố nào đó khiến hệ miễn dịch suy yếu, virus lại có thể nhân lên.
Cả hai nhà dịch tễ học Kindrachuk và Cynthia đều nhất trí cho rằng tiêm vaccine, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội hiện vẫn là các "lá chắn" tốt nhất giúp ngăn chặn nguy cơ tái mắc COVID-19.