Thêm nhiều nước triển khai tiêm liều tăng cường vaccine ngừa COVID-19

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 3/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này sẽ tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho 21 triệu người dân ngay trong tháng 1 này.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia,. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Phát biểu sau cuộc họp đánh giá lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM), Bộ trưởng Budi cho hay Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã quyết định khởi động chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine vào ngày 12/1 tới. Bộ trưởng Budi khẳng định mũi tăng cường vaccine sẽ được tiêm cho những người trên 18 tuổi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và đã hoàn thành mũi tiêm thứ hai được 6 tháng.

Cũng theo ông Budi, chương trình này sẽ chỉ được triển khai ở các huyện và thành phố đạt tỷ lệ bao phủ vaccine 70% đối với mũi thứ nhất và 60% đối với mũi thứ hai. Tính đến nay, mới chỉ có 244 địa phương tại Indonesia, với 21 triệu người, đáp ứng đủ các tiêu chí này.

Vaccine tăng cường có thể cùng hoặc khác loại với 2 liều vaccine trước đó. Nhà nước sẽ chi trả chi phí tiêm mũi tăng cường đối với những người có bảo hiểm y tế, trong khi những người còn lại sẽ phải tự chi trả.

Dự kiến, các loại vaccine được sử dụng để tiêm tăng cường cũng như mức giá sẽ được Nhóm cố vấn kỹ thuật tiêm chủng (ITAGI) và Cơ quan giám sát Thực phẩm và Dược phẩm (BPOM) công bố vào ngày 10/1 tới.

Tính đến ngày 3/1, 166.104.331 người ở Indonesia đã tiêm mũi 1 vaccine ngừa COVID-19, 114.196.339 người đã tiêm đủ liều cơ bản và 1.288.839 người, trong đó chủ yếu là nhân viên y tế, đã tiêm mũi thứ 3.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, Venezuela cũng đã khởi động chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, bắt đầu với các nhân viên y tế và sau đó là những người trên 60 tuổi đã tiêm đủ liều cơ bản 6 tháng trước đó.

Bộ trưởng Y tế Venezuela Carlos Alvarado cho biết nước này sử dụng vaccine Sputnik Light của Nga và Sinopharm của Trung Quốc để tiêm liều tăng cường. Theo Chính phủ Venezuela, 90% dân số nước này, tương đương khoảng 28 triệu người, đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tính đến nay, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận tổng cộng 444.972 ca mắc, trong đó có 5.333 trường hợp không qua khỏi.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ ngày 3/1 đã mở rộng việc sử dụng mũi vaccine thứ 3 ngừa COVID-19 của Pfizer cho trẻ từ 12-15 tuổi cũng như rút ngắn thời gian giữa mũi 2 và mũi 3 từ 6 tháng xuống 5 tháng.

Việc cấp phép sử dụng khẩn cấp được sửa đổi có nghĩa là liều tăng cường duy nhất của Pfizer hiện được phê duyệt cho các cá nhân từ 12 tuổi trở lên ở Mỹ, nơi biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đang lan nhanh.

Quyết định mới nhất được đưa ra sau khi FDA xem xét lại dữ liệu từ Israel, bao gồm dữ liệu an toàn từ hơn 6.300 cá nhân thuộc nhóm tuổi từ 12-15, những trẻ đã được tiêm mũi tăng cường ít nhất 5 tháng sau khi hoàn thành 2 mũi tiêm ban đầu.

FDA nêu rõ: "Dữ liệu cho thấy không có những quan ngại mới về an toàn sau mũi tiêm tăng cường trong số dân (Israel)".

Hữu Chiến - Mai Phương - Ngọc Hà (TTXVN)
Cắt trợ cấp COVID-19 làm gia tăng bất bình đẳng xã hội ở Israel
Cắt trợ cấp COVID-19 làm gia tăng bất bình đẳng xã hội ở Israel

Trợ cấp của Chính phủ Israel trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19 đã giúp giảm nhẹ số người nghèo tại nước này. Tuy nhiên, sau đó khoản tiền này bị cắt giảm, khiến tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng, do số người giàu tăng lên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN