Thông báo ngày 23/9 của WHO nhấn mạnh giới chức y tế CHDC Congo vừa công bố kế hoạch từ giữa tháng 10 năm nay sẽ thử nghiệm vaccine Ebola thứ hai. Đây là vaccine do Tập đoàn Johnson & Johnson có trụ sở ở Mỹ bào chế.
Trước đó, Johnson & Johnson cho biết hãng này đã điều chế được 1,5 triệu liều vaccine Ebola để có thể đưa vào lưu hành, đồng thời nhấn mạnh loại vaccine này sẽ bổ sung cho vaccine hiện hành của hãng dược phẩm Merck của Đức. Kể từ 8/8/2018 đến nay, khoảng 225.000 người đã được tiêm vaccine phòng virus Ebola của hãng Merck.
So với việc chỉ tiêm 1 mũi duy nhất vaccine Ebola của Merck, người sử dụng vaccine Ebola của Johnson & Johnson cần phải tiêm 2 mũi cách nhau 56 ngày (tương đương 8 tuần). Vaccine mới này sẽ được cấp phát theo các giao thức đã được phê duyệt tới người dân có nguy cơ nhiễm Ebola cao tại các khu vực hiện chưa bị lây nhiễm loại virus này.
Bà Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Phi, nhấn mạnh vaccine mới nói trên sẽ góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời đây là công cụ tiềm tàng giúp bảo vệ người dân trước các đợt bùng phát dịch tại các khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Dịch Ebola bùng phát trở lại tại CHDC Congo từ tháng 8/2018. Đây được coi là đợt bùng phát dịch bệnh Ebola nghiêm trọng thứ hai trên thế giới sau đợt bùng phát dịch cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người tại Liberia, Guinea và Sierra Leone trong giai đoạn 2014-2016. Ngày 17/7 vừa qua, với việc ghi nhận tổng cộng 3.145 ca nhiễm bệnh kể từ khi bùng phát trở lại, WHO đã công bố dịch bệnh Ebola ở CHDC Congo là khủng hoảng y tế khẩn cấp toàn cầu nhằm huy động thêm nguồn các tài chính chống lại virus nguy hiểm này. Cho đến nay, hơn 2.100 người tại CHDC Congo đã tử vong do Ebola. Các nỗ lực nhằm kiểm soát dịch hiện gặp nhiều khó khăn do các lực lượng phiến quân liên tục tấn công các trung tâm điều trị, cũng như tâm lý e ngại từ những người dân địa phương với các đội hỗ trợ y tế.
Ebola là bệnh do virus gây ra với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, đau cơ, đau họng. Sau đó người bệnh bị nôn mửa, tiêu chảy, một số trường hợp có thể bị xuất huyết cả bên trong và bên ngoài. Virus lây qua tiếp xúc gần gũi với động vật nhiễm bệnh, sau đó lây từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể hoặc nội tạng của người nhiễm bệnh, hoặc lây gián tiếp qua môi trường ô nhiễm. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 2 ngày đến 3 tuần và rất khó chẩn đoán. WHO khuyến nghị tiêm phòng là một trong những biện pháp giúp đẩy lùi dịch bệnh này.