Đúng như dự báo, cuộc gặp lần này đã không tạo ra một sự đột phá nào, song cơ chế tiếp xúc ba bên cấp cao được tiến hành đều đặn trong hơn một năm qua kể từ hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất tại Sochi vào tháng 11/2017 cho đến nay, đã mang lại niềm hy vọng về việc xây dựng một đất nước Syria hòa bình, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ. Trong xu hướng tích cực đó, có thể khẳng định kết quả của cuộc gặp cấp cao tại Sochi lần này tuy không mang tính “bước ngoặt”, song đã tạo xung lực mới cho tiến trình hòa bình Syria, nhất là trong bối cảnh xuất hiện những diễn biến bất ngờ và khó lường gần đây xung quanh tình hình Syria, bao gồm cả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố kế hoạch rút quân Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông.
Cuộc xung đột tại Syria được coi là hệ quả của những mâu thuẫn giữa nhiều phe phái, nhiều lực lượng, sự đan xen lợi ích của nhiều thế lực. Bởi vậy, để có được một bước tiến nhỏ đòi hỏi phải có chiến lược đàm phán hợp lý, một chương trình nghị sự phù hợp, khả năng sẵn sàng thỏa hiệp và không thể thiếu sự thiện chí của các bên tham gia. Cùng với 3 hội nghị trước, kết quả của hội nghị thượng đỉnh Sochi lần này giữa lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, ba quốc gia đã chủ động "bắt tay" phối hợp với nhau để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột dai dẳng ở Syria, cũng là một bước tiến tuy chậm nhưng đáng khích lệ.
Có thể nhận thấy những bước tiến này khi nhìn lại những thỏa thuận đã đạt được trong khuôn khổ "định dạng Astana" thời gian qua. Đối với việc thành lập Ủy ban Hiến pháp Syria, đã có những tiến triển nhất định sau khi các bên nhất trí về chủ trương, chủ động trong đàm phán để thống nhất thành phần nhân sự cũng như quy chế hoạt động của Ủy ban. Tại hội nghị lần này, cả ba nước đồng bảo trợ đều thể hiện quyết tâm sớm đưa Ủy ban Hiến pháp Syria đi vào hoạt động trên thực tế. Nếu điều này trở thành sự thật, đây sẽ là một cú hích cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Syria.
Về việc thiết lập vùng giảm căng thẳng, trong hơn một năm qua, các khu vực tương ứng đã được thiết lập xong trên lãnh thổ Syria, Biên bản ghi nhớ về ổn định tình hình tại tỉnh Idlib (Ít-líp) cũng đã được ký. Hội nghị lần này đã nhất trí đẩy mạnh việc “phân tách” các nhóm cực đoan, khủng bố ra khỏi dân thường Syria để tạo điều kiện cho việc duy trì lệnh ngừng bắn.
Đối với cuộc chiến chống khủng bố, Hội nghị Sochi lần này đã khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác nhằm loại bỏ hoàn toàn các tổ chức khủng bố như tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng (IS), Jabat an-Nusra và tất cả các băng nhóm, tổ chức có liên quan đến Al-Qaeda và IS như Hayat Tahrir ash-Sham (HTS), dù chúng đang trú ẩn ở khu vực nào… Ba nước Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ mọi mưu toan tạo ra "thực tế mới trên thực địa" với cái cớ đấu tranh chống khủng bố hòng gây tổn hại chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Về vấn đề nhân đạo, các bên nhất trí tiếp tục trợ giúp người dân Syria khôi phục cuộc sống bình thường, tạo điều kiện để những người tị nạn/di dân Syria trở về nơi họ từng sinh sống một cách an toàn và tự nguyện. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, chỉ trong 6 tháng gần đây, hơn 130.000 người tị nạn Syria đã trở về nhà an toàn. Số người không thể tiếp cận hàng cứu trợ nhân đạo đã giảm đi 3 lần, song vẫn còn nửa triệu người cần sự trợ giúp đó.
Ngoài ra, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Sochi lần này đã diễn ra 2 đợt trao đổi người bị bắt giữ giữa các bên tại Syria, một động thái được đánh giá là đóng góp quan trọng của "định dạng Astana" trong việc thiết lập lòng tin và tạo điều kiện để thúc đẩy tiến trình chính trị.
Nếu như tại các hội nghị trước, ba nước đồng bảo trợ kêu gọi Mỹ ngừng can thiệp tình hình Syria, thì đến hội nghị lần này, bộ ba Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đã hoan nghênh quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump rút quân Mỹ khỏi Syria, mặc dù vẫn tỏ ra thận trọng về việc Washington thực hiện nghiêm túc cam kết này. Tổng thống Putin cùng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã nhất trí rằng việc Mỹ tuyên bố rút quân khỏi phía Đông Bắc Syria "sẽ là một bước đi tích cực" giúp ổn định tình hình trong khu vực này, nơi mà chính quyền hợp pháp của Syria cần tái thiết lập sự kiểm soát. Các bên cũng nhất trí về một giải pháp lâu dài giải quyết cuộc khủng hoảng Syria trên cơ sở chính trị - ngoại giao, trước hết là Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như đảm bảo sự thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tổng thống V.Putin cũng thừa nhận công việc không hề đơn giản, nhiều nhiệm vụ đặt ra chưa được giải quyết, song nếu các bên liên quan làm việc một cách tích cực, hài hòa và tìm kiếm thỏa hiệp, các mục tiêu đề ra trong tiến trình hòa bình cho Syria nhất định sẽ đạt được.
Kết quả hội nghị lần này cũng cho thấy trong thời gian tới, xu hướng tích cực sẽ tiếp tục được duy trì trong khuôn khổ “định dạng Astana”. Các nhiệm vụ đang còn dang dở sẽ tiếp tục được thực hiện. Song song với việc tiêu diệt hoặc vô hiệu hóa các nhóm khủng bố còn lại, hoạt động tái thiết cơ sở hạ tầng ở Syria cũng sẽ bắt đầu được triển khai. Các hoạt động ngoại giao con thoi được thúc đẩy, góp phần duy trì xu hướng chủ đạo trong quan hệ Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ thời gian gần đây là tiếp xúc và đối thoại ở tất cả các cấp, trong đó có cấp cao nhất. Trước mắt, đại diện các nước đồng bảo trợ sẽ cùng ngồi lại với nhau vào tháng 4/2019 trong khuôn khổ cuộc gặp quốc tế lần thứ 12 tại Astana (Kazakhstan), trong khi cuộc gặp thượng đỉnh ba bên lần thứ 5 nhiều khả năng sẽ diễn ra vào đầu quý III năm nay tại Thổ Nhĩ Kỳ. Với tình hình phức tạp hiện nay, khả năng tạo đột phá trong các cuộc đàm phán tiếp theo cũng chưa thể khẳng định, song triển vọng dần cải thiện tình hình tại Syria ngày càng rõ nét hơn.
Tương quan lực lượng trên thực địa cũng như trên mặt trận ngoại giao sẽ tiếp tục có lợi cho bộ ba Nga -Iran - Thổ Nhĩ Kỳ cũng như chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad (Ba-sa An Át-xát), mang lại cho cơ chế hợp tác này một vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria nói riêng và tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi nói chung. Tuy nhiên, bộ ba này có thể sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt, bởi Mỹ và các đồng minh khu vực khó chấp nhận “trắng tay” trong ván cờ Trung Đông này.