Cách đó chỉ vài tiếng đồng hồ, Tổng thống Trump tuyên bố giải quyết vấn đề Syria không phải là trách nhiệm của Mỹ. Trong nhiều ngày qua, Nhà Trắng liên tục nhận được những cuộc gọi giận dữ từ các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa phản đối quyết định rút quân Mỹ ra khỏi Đông Bắc Syria của Tổng thống Trump, chỉ trích hành động này sẽ khiến uy tín của Mỹ trong lòng các đồng minh sẽ bị lung lay.
Theo kênh CNN, nhiều quan chức chính phủ cho hay họ không có nhiều kỳ vọng vào kết quả cuộc đàm phán của Phó Tổng thống Pence. Thậm chí có hai quan chức còn nhấn mạnh họ không hiểu lý do vì sao một phái đoàn Mỹ lại được cử tới thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ trong hoàn cảnh này.
Chính vì vậy, khi Phó Tổng thống Pence xuất hiện sau 9 tiếng gặp mặt và đàm phán, rồi thông báo về một thỏa thuận ngừng bắn hôm 17/10, sự kiện này đã nhận được nhiều ánh mắt nghi ngờ, đặc biệt là về tính khả thi của thỏa thuận.
“Hôm nay, chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria”, Phó Tổng thống Pence phát biểu trong một cuộc họp báo đêm muộn tại khu nhà ở thuộc Đại sứ quán Mỹ ở Ankara, đứng bên cạnh ông là Ngoại trưởng Pompeo. Nhà lãnh đạo này tuyên bố chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm ngừng 5 ngày. Phó Tổng thống Pence cho biết ông được cử đi để “ngăn chặn bạo lực” và ông đã đạt được mục tiêu.
Nhưng khi các chi tiết của thỏa thuận được công bố, câu hỏi mới được đặt ra là Mỹ đã giành chiến thắng như thế nào trong các cuộc đàm phán. Ngay sau khi Phó Tổng thống Pence phát biểu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai phái đoàn đã không thống nhất một lệnh ngừng bắn thực sự, mà chỉ là tạm dừng các hoạt động quân sự.
Một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ sau đó đã bác bỏ sự mâu thuẫn trong các tuyên bố, cho rằng người Thổ Nhĩ Kỳ không thấy thoải mái với thuật ngữ “ngừng bắn” không có nghĩa là họ đã không chấp thuận. Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đưa ra bất kỳ cam kết thực sự nào.
"Đây thực chất là việc Mỹ xác nhận những gì Thổ Nhĩ Kỳ đã làm và cho phép họ sáp nhập một phần của Syria và loại bỏ người Kurd. Đây là những gì Ankara muốn và Tổng thống Trump đã bật đèn xanh cho họ. Tôi nghĩ lý do duy nhất khiến Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận ngừng bắn là vì người Kurd đang chống trả một cách quyết liệt và kết quả là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không thể tiến sâu thêm về phía Nam. Nếu chúng ta không áp đặt các lệnh trừng phạt, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắng lớn", kênh CNN dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ biết rõ các hoạt động tại Syria đưa tin.
Sau khi Phó Tổng thống Pence họp báo, trên phương tiện truyền thông đồng loạt đăng tải một bức ảnh tài liệu ghi dòng chữ “Tuyên bố chung Mỹ-Thổ về Đông Bắc Syria”. Rõ ràng bản tài liệu không dùng cụm từ “ngừng bắn” như lời các quan chức Mỹ nói.
Trước khi phái đoàn Mỹ bay tới Ankara, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien đã có mặt tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ cùng với đặc phái viên Mỹ tại Syria. Hai quan chức này đã dành hàng giờ đồng hồ phác thảo một thỏa thuận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, và tiến hành điện đàm 4 bên với Phó Tổng thống Pence và Ngoại trưởng Pompeo trong sáng hôm sau. Các điều khoản được thống nhất trong hôm 17/10.
Tuy nhiên, lời đe dọa trừng phạt vẫn còn hiện hữu. Tổng thống Trump từng cam kết hủy diệt nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu như chiến dịch quân sự của họ vượt quá giới hạn. Trong một bức thư gửi tới người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Trump khuyên nhủ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “đừng nên cứng rắn” và “đừng làm một kẻ ngốc”.
Bức thư của Tổng thống Trump không được đề cập trong suốt 9 tiếng đồng hồ đàm phán tại Ankara. Phó Tổng thống Pence cho biết Tổng thống Trump thông qua việc không áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt thêm nào lên Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng nhất trí một khi lệnh ngừng bắn lâu dài đạt được, nước Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt vừa áp đặt lên Ankara tuần trước.
Theo một quan chức chính phủ cấp cao khác, thời gian kéo dài lệnh ngừng bắn tạm thời là một phần quan trọng khác trong cuộc đàm phán. Phó Tổng thống Pence và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã phải mất khá nhiều thời gian đàm phán để ra được một kết quả: 120 giờ. Phía Mỹ cho rằng khoảng thời gian này là vừa đủ cho phép các tay súng người Kurd rời khỏi khu vực quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến quân để tránh cuộc quyết đấu đẫm máu.
Lần gặp mặt trực diện
Cuộc gặp mặt đầu tiên giữa Phó Tổng thống Mỹ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ban đầu dự kiến kéo dài vỏn vẹn 10 phút. Mang theo tâm trạng hồi hộp, Phó Tổng thống Pence “hiểu được sức nặng của cuộc gặp mặt này”.
Mỗi bên đi kèm theo một phiên dịch viên. Nhưng thay vì mang theo nhân viên từ Mỹ, Phó Tổng thống Pence quyết định mời Đặc phái viên Mỹ tại Syria Jim Jeffrey vào phòng. Cuộc gặp mặt kéo dài thành 80 phút khi Phó Tổng thống Pence tìm cách thuyết phục quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí một lệnh ngừng bắn. Có thời điểm khi Tổng thống Erdogan hỏi mất bao nhiêu lâu để Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) rút lui, ông Pence cảm thấy hy vọng về một lệnh ngừng bắn hé mở.
Trong quá trình đàm phán căng thẳng, một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã lấy dẫn chứng về số dân thường nước này thiệt mạng trong những lần giao tranh trước đây. Như một động thái thể hiện sự cảm thông, Phó Tổng thống Pence yêu cầu cố vấn dừng lại, chỉ ra bên Mỹ cũng có nhiều thương bệnh binh. Ông còn lấy con trai mình ra làm ví dụ, Michael Pence đang phục vụ trong lực lượng vũ trang, trước khi bày tỏ sự lấy làm tiếc về những mất mát của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau khi Phó Tổng thống Pence tuyên bố, phía Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận tạm ngừng chiến dịch tấn công quân sự của mình tại miền Bắc Syria trong vòng 5 ngày để các tay súng người Kurd rút lui khỏi khu vực này. Ngày 17/10, người đứng đầu Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) Mazlum Abdi cho biết lực lượng người Kurd sẵn sàng tuân thủ lệnh ngừng bắn mà Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo.
Tuy nhiên, ngày 18/10, tình hình tại biên giới Đông Bắc Syria đang diễn biến rất bất thường. Theo truyền thông Nga và khu vực, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tái triển khai các cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Ras al-Ayn, bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được trước đó vài giờ. Hiện Ankara chưa bình luận gì về thông tin này.