Mặc dù các thành phố lớn tại Mỹ bảo vệ thành công người dân khỏi bị ảnh hưởng từ quyết định năm ngoái của Trung Quốc về hạn chế nhập khẩu chất thải rắn từ nước ngoài, song người dân tại các vùng ven và thị trấn nhỏ lại lâm vào cảnh khó khăn vì sự thay đổi này gây thiệt hại cho thị trường tái chế rác toàn cầu và ảnh hưởng tới nguồn thu nhập.
Trong hàng chục năm qua, Trung Quốc luôn là nước nhập khẩu rác tái chế, gồm nhựa đã qua sử dụng và kim loại phế liệu lớn nhất thế giới. Năm ngoái, nước này đã dừng nhập một số loại rác tái chế nhất định và thắt chặt tiêu chuẩn đối với tạp chất trong phế liệu. Bộ Môi trường và Sinh thái Trung Quốc chỉ ra nguyên nhân có sự thay đổi này là thiệt hại môi trường do chất bẩn và nguy hại lẫn với chất thải rắn có thể được tái chế thành nguyên liệu thô.
Theo Báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), nhiều người Mỹ quen với mô hình tái chế một luồng (một hệ thống trong đó tất cả các sợi giấy, nhựa, kim loại và các thùng chứa khác được trộn trong một xe tải thu gom) để họ không còn gặp rắc rối trong vấn đề phân loại các loại nhựa, giấy, thủy tinh và kim loại. Tuy nhiên, mô hình này lại khiến cho các nhà xử lý Trung Quốc đau đầu. Thậm chí sau khi được phân loại, hộp nhựa vẫn có thể bị lẫn vào lô hàng lon thiếc. Mảnh vỡ kính có thể lẫn với mảnh giấy.
Tiêu chuẩn công nghiệp về tạp chất thường dao động trong khoảng 1-5%. Nhưng theo chính sách mới, tiêu chuẩn Trung Quốc đề ra giảm xuống còn 0,5%.
“Họ không chỉ thay đổi chính sách, về cơ bản họ thay đổi toàn bộ thị trường tái chế thế giới”, Joe Greer – Giám đốc Kinh doanh Công ty Tái chế Buffalo – bày tỏ lo ngại.
Công việc của các nhà tái chế là tích trữ vật liệu trong khi tìm kiếm người mua. Kể từ khi Trung Quốc ban hành chính sách, một số loại phế liệu bị giảm giá trị, trong khi nhiều loại khác trở nên vô giá trị. Một số thành phố chấp nhận tổn thất vì họ lo rằng việc để người dân gánh chi phí sẽ không khuyến khích ý thức tái chế nữa. Thay vào đó, họ thắt chặt hơn các loại rác tái chế mà họ chấp nhận hoặc bắt đầu thu phí để trang trải chi phí cho các chương trình.
Thành phố Hannibal ở bang Moussori với số dân 18.000 người, đã ngừng nhận các loại nhựa có thể tái chế được dán nhãn với các số 3, 4, 5, 6 hoặc 7, cụ thể là loại nhựa trong hộp đựng sữa chua và chai dầu gội đầu.
Tại hạt Columbia, New York, người dân cũng sẽ sớm phải trả 50 USD/một năm để đưa rác thải tới trung tâm tái chế trong vùng.
“Một trong những thách thức mà cộng đồng tái chế tại các vùng nông thôn phải đối mặt khi Trung Quốc đưa ra chính sách này là hạn chế về số lượng mặt hàng yêu cầu, chi phí khi thu mua và vận chuyển phế liệu có giá trị thấp bị đẩy lên quá cao”, Susan Robinson – giám đốc chính sách tại công ty thu mua rác thải lớn nhất Bắc Mỹ Waste Management – giải thích.
Chương trình tái chế tại các thị trấn nhỏ vốn dĩ đã đắt đỏ hơn chi phí chương trình tại các thành phố lớn. Các hộ tại nông thôn ở xa nhau khiến chi phí thu mua và vận chuyển phế liệu lớn hơn. Tại các thị trấn nhỏ, họ cũng không gom đủ lượng phế liệu mà bên mua cần.