Sự cải thiện từng bước của thị trường lao động được xác định là một trong những nhân tố giúp cho thị trường bất động sản của Mỹ, căn nguyên dẫn tới cuộc đại khủng hoảng tài chính-kinh tế năm 2007-2009, trong tháng 10 vừa qua có sự phục hồi khá ấn tượng.
Báo cáo ngày 19/11 của Hiệp hội Giới chủ bất động sản toàn quốc (NAR) cho biết, trong tháng qua, doanh số bán ra của các căn nhà hiện có ở Mỹ tăng 2,1%, lên mức 4,79 triệu đơn vị (tính theo khối lượng bán ra trong một năm), cao hơn so với mức dự kiến 4,75 triệu đơn vị của các chuyên gia, cho dù trận siêu bão Sandy có ảnh hưởng nặng tới việc làm ăn của các công ty bất động sản ở các bang bờ Đông, nhất là trong hai tháng còn lại của năm 2012.
Một căn nhà được bày bán ở Rockville, Maryland. Ảnh: AFP/TTXVN |
Giá các ngôi nhà được bán ra trong tháng 10 cũng tăng khá mạnh, đạt mức trung bình 178.000 USD/căn, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán ra đạt cao đã làm giảm số lượng căn nhà tồn đọng xuống 2,14 triệu, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2002. Với đà này, số lượng các ngôi nhà tồn đọng có thể sẽ giải quyết hết trong vòng hơn 5 tháng nữa.
Để góp phần thúc đẩy đà phục hồi của thị trường bất động sản, trong tuần trước 5 ngân hàng lớn của Mỹ trong đó có Bank of America và JPMorgan Chase đã nhất trí cùng cung cấp 22 tỷ USD để giảm nhẹ gánh nặng của những khách hàng có nguy cơ bị tịch thu nhà do thiếu nợ vì không thể tiếp tục vay được tiền.
Bất chấp những cải thiện ấn tượng gần đây, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke hồi tuần trước vẫn thận trọng đánh giá rằng thị trường nhà đất ở Mỹ "còn lâu mới thoát hẳn" ra khỏi hậu quả của cuộc khủng hoảng.
Trên cơ sở đánh giá này, ông chủ FED tuyên bố sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp cần thiết, trong đó có việc tiếp tục tung 40 tỷ USD mỗi tháng để mua các trái phiếu liên quan tới thế chấp nhà đất, nhằm hỗ trợ đà phục hồi của thị trường nhà đất.
Hệ thống ngân hàng của Mỹ đã rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2007 và đỉnh điểm là tháng 9/2008 do vỡ nợ bởi các khoản vay thế chấp dưới chuẩn. Việc cho vay quá dễ dãi khiến nhiều người Mỹ đua nhau đầu tư, thậm chí đầu cơ bất động sản, tạo cầu ảo gây ra hiện tượng căng thẳng bong bóng bất động sản, dẫn tới bị vỡ tung, đẩy toàn bộ nền kinh tế rơi vào một thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng kéo dài mà đến nay vẫn chưa khác phục hết hậu quả.
TTXVN/Tin tức