Lý do ông Khan đưa ra là cách Thủ tướng điều khiển các cuộc đàm phán về Brexit đã "lún sâu vào hỗn loạn và bế tắc" cũng như "đang đưa đất nước đi theo hướng bất lợi".
Theo kế hoạch, Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019. Nhưng các kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May vẫn chưa được chấp nhận. Một số nghị sĩ cũng như các chủ doanh nghiệp và nghiệp đoàn đang ngày càng cho rằng người dân cần được có tiếng nói cuối cùng vềbất cứ thỏa thuận nào có thể đạt được với Brussels.
Thủ tướng May đã nhiều lần gạt bỏ khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai, sau khi cuộc bỏ phiếu thứ nhất cách đây hai năm đã quyết định Anh rời EU. Bà nói rằng các nghị sĩ quốc hội sẽ là người bỏ phiếu chấp nhận hay không đối với bất kỳ thỏa thuận cuối cùng nào với EU. Nhưng thời gian không còn nhiều để London và Brussels đạt một thỏa thuận Brexit. Chính phủ Anh cũng đang chuẩn bị các kế hoạch cho một sự ra đi mà không có thỏa thuận nào.
Thị trưởng Khan, một thành viên cấp cao của Công Đảng đối lập, cho rằng nước Anh đang phải đối mặt với một Brexit không có thỏa thuận hoặc một thỏa thuận tồi, đồng thời nhấn mạnh cả hai trường hợp này đều rất nguy hiểm đối với "đảo quốc sương mù". Trong một bài viết trên nhật báo Observer ra ngày 16/9, ông Khan đổ lỗi cho cách xử lý của chính phủ trong các cuộc đàm phán, và nói rằng mối đe dọa đối với đời sống người dân, nền kinh tế và công ăn việc làm là rất lớn, vì vậy cử tri phải được lên tiếng. Ông Khan ủng hộ một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai, mà những người ủng hộ gọi là "cuộc bỏ phiếu của nhân dân".