Thích ứng với xã hội già hóa - Bài 2: Định nghĩa lại khái niệm người cao tuổi

“Già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” là tình trạng dân số có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tổng dân số trở lên; hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi chiếm từ 10% tổng dân số trở lên. Giai đoạn “dân số già”, còn gọi là giai đoạn “dân số đã già”, là tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% tổng dân số trở lên. “Dân số siêu già” sẽ có tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 21% dân số trở lên. Với tỷ lệ người trên 65 tuổi vượt xa mức 29,3% dân số, có thể khẳng định Nhật Bản đã rơi vào tình trạng “dân số siêu già”. Điều đó có nghĩa là khủng hoảng nhân khẩu của Nhật Bản rơi vào tình trạng “báo động đỏ”.

Chú thích ảnh
Người cao tuổi tại Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhật Bản, quốc gia đã gia nhập nhóm xã hội siêu già từ năm 2006, có một phong trào mạnh mẽ nhằm định nghĩa lại người cao tuổi. Trong cuốn sách năm 2008 mang tên “Cách mạng ở độ tuổi trưởng thành”, tác giả Junichi Watanabe đã gọi một “thế hệ bạch kim” gồm những cá nhân năng động từ 60 tuổi trở lên thay vì người cao tuổi. Kể từ đó, nhận thức về những người ở độ tuổi 60 đã thay đổi, với khái niệm “phục vụ tích cực suốt đời” ngày càng phổ biến trong nhiều ngành công nghiệp. Năm 2017, Hiệp hội Lão khoa Nhật Bản đề xuất định nghĩa lại người cao tuổi là 75 tuổi trở lên, phân loại những người từ 65 đến 74 tuổi là bán già.

Chính sách mở đường

Luật ổn định việc làm cho người cao tuổi, nhằm mục đích tăng số lượng lao động cao tuổi, yêu cầu các công ty phải đảm bảo việc làm cho đến khi người lao động đạt 65 tuổi. Luật sửa đổi có hiệu lực năm 2021 cũng yêu cầu các công ty phải tạo cơ hội việc làm cho nhân viên đến năm họ 70 tuổi. Sau khi sửa đổi luật, các công ty được yêu cầu tuyển dụng người lao động cho đến khi 65 tuổi nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc. Các doanh nghiệp ban đầu phản đối sự thay đổi này vì sợ chi phí cao hơn. Thế nhưng hiện nay, họ đang cạnh tranh để thuê những nhân viên lớn tuổi nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.

Theo một nghiên cứu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, năm ngoái, số người trong độ tuổi từ 65-69 tuổi có việc làm là 52%, cao hơn 13,3 điểm phần trăm so với 10 năm trước. Năm 2022, những người trong độ tuổi lao động 15-64 tuổi chiếm 59% dân số Nhật Bản, giảm 9 điểm phần trăm so với năm 2000. Do khó khăn trong việc thu hút lao động nước ngoài và xu hướng phụ nữ có con nhỏ không đi làm gia tăng, các chủ lao động phải dựa vào người cao tuổi để bù đắp phần thiếu hụt. Bộ trên cho biết đến năm 2022, những người từ 65 tuổi trở lên là 6,39 triệu người, chiếm 10,6% tổng số người có việc làm. Các ngành có tỷ lệ lao động lớn tuổi cao gồm ngành xây dựng và chăm sóc điều dưỡng (15%) và ngành vận tải (10%). Khoảng 30% tài xế taxi và xe buýt trong ngành vận tải là 65 tuổi trở lên.

Thích nghi với thời đại

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số các công ty tuyển dụng những người từ 70 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi trong thập niên qua và đến năm 2022 chiếm 39%. Tỷ lệ các doanh nghiệp quy định tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65 tuổi trở lên đã tăng 12 điểm phần trăm lên 25% trong cùng kỳ. Trong lĩnh vực xây dựng và bán lẻ, những người lao động từ 65 tuổi trở lên chiếm hơn 10% lực lượng lao động.

Năm 2021, Tập đoàn YKK Corp. đã bỏ độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc tại các công ty con đang hoạt động trên toàn quốc. Trong khi đó, Mazda Motor Corp. cũng đang kéo dài độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 65 bắt đầu từ năm tài chính 2022. Nojima, công ty bán lẻ điện tử, bỏ giới hạn độ tuổi nghỉ hưu vào năm 2021, tuyển dụng khoảng 30 nhân viên từ 70 tuổi trở lên, trong đó có 3 người từ 80 tuổi. Yutaka Tajima, một trong những giám đốc của Nojima, cho biết các hạn chế dựa trên độ tuổi "không phù hợp với thời đại 'cuộc sống 100 năm' này và việc không tận dụng tốt người cao tuổi là một sự lãng phí".

Namie là một thị trấn nhỏ ở tỉnh Fukushima. Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 hồi năm 2011, số dân của địa phương này tiếp tục giảm mạnh. Ngày càng nhiều thanh niên tìm đến các đô thị lớn náo nhiệt và có thu nhập cao hơn. Số người cao tuổi tại thị trấn Namie ngày càng tăng. Trong bối cảnh này, bà Rieko Watanabe đã có ý tưởng thành lập một nhà hàng nơi mà những người đã nghỉ hưu có thể làm việc với mục tiêu vừa có thu nhập vừa được hưởng niềm vui lao động, đồng thời đáp lại lời kêu gọi của lãnh đạo chính quyền thị trấn về việc tạo động lực cho nền kinh tế địa phương. Bà tự hào cho biết đã mở Kitchen Grandma từ tháng 10/2016 dù bà không có kinh nghiệm trong ngành nhà hàng. Bà đến nhà hàng hầu như mỗi ngày, siêng năng mua và chuẩn bị rau tươi. Đội ngũ nhân viên, có độ tuổi trung bình trên 60, đã dồn hết tâm huyết vào từng món ăn, để mang lại nụ cười trên khuôn mặt của khách hàng. Bà Rieko chia sẻ: “Ở Nhật Bản, nếu bạn làm việc chăm chỉ và đóng tiền hưu khi còn trẻ, bạn sẽ nhận được một khoản lương hưu hợp lý từ chính phủ khi bạn 65 tuổi. Tại thị trấn Namie này, khi dân số ngày càng giảm đi, tôi hiểu rằng những người trẻ tuổi đang do dự ở lại làm việc tại thị trấn vì họ không biết liệu họ có thể kinh doanh ở Namie hay không. Đối với những người ở độ tuổi của chúng tôi, miễn là chúng tôi có thể trả chi phí lao động và chi phí mua sắm, cuộc sống cá nhân của tôi được chính phủ đảm bảo thông qua lương hưu. Vì vậy tôi nghĩ rằng rào cản thấp hơn so với những người trẻ tuổi, tôi có thể suy nghĩ một cách thoải mái hơn và nói đến ý thức về sứ mệnh. Tôi nghĩ rằng trong khi chúng ta ở độ tuổi 60 có thể làm việc chăm chỉ, thì điều đó có thể là động lực để cho những người trẻ tuổi sẽ quay lại Namie hoặc khởi nghiệp.”

Toyota, thương hiệu ô tô nổi tiếng nhất Nhật Bản, không đứng ngoài xu thế này. Việc tận dụng nguồn lao động cao tuổi không chỉ giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực mà còn giúp đào tạo bồi dưỡng thế hệ kế cận. Từ tháng 8 vừa qua, Toyota bắt đầu tuyển dụng lại những nhân viên từ 65 - 70 tuổi để giữ chân những công nhân lành nghề trong quá trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Hệ thống tái tuyển dụng mới sẽ áp dụng cho những người lao động từ 65 tuổi trở lên có kiến thức và kỹ năng nâng cao cho mọi loại công việc.

Tạo môi trường làm việc tốt hơn cho người cao tuổi

Bên cạnh việc dân số lao động ngày càng giảm, tình trạng đồng yen yếu cũng là lý do khiến nhiều công ty phải tìm đến lao động lớn tuổi vì việc tuyển dụng lao động nước ngoài trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, vẫn có một bất lợi khi giữ chân những người lao động lớn tuổi vì họ dễ gặp tai nạn khi làm việc hơn và người sử dụng lao động cần phải nỗ lực hơn để đảm bảo an toàn cho chính họ.

Thực tế cho thấy số lượng người lao động cao tuổi tăng lên tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn tại nơi làm việc. Tổng số vụ tai nạn liên quan đến nhân viên từ 60 tuổi trở lên là khoảng .000 vụ vào năm 2022, tăng 26% so với 5 năm trước đó và tăng nhanh gấp 3 lần so với mức trung bình. Nếu người sử dụng lao động không tạo ra môi trường làm việc an toàn cho người lao động cao tuổi, năng suất chung có thể bị ảnh hưởng. Takashi Sakamoto, nhà phân tích tại Recruit Works Institute, cho rằng: "Các công ty phải đầu tư vào tự động hóa và các phương tiện khác để làm cho công việc ít đòi hỏi thể chất hơn đối với người cao tuổi".

Mặc dù nhu cầu việc làm ngày càng tăng, nhưng tiền lương không tăng đối với tất cả người lao động cao tuổi. Theo Bộ Lao động, tiền lương trung bình tăng 6% đối với người lao động từ 65 đến 69 tuổi trong thập niên qua cho đến năm 2022 nhưng giảm 9% đối với những người từ 70 tuổi trở lên. Những công việc tốt không phải lúc nào cũng dành cho những người lao động ở độ tuổi 70 trở lên, những người sau đó phải đảm nhận những công việc mà những người lao động trẻ hơn từ chối vì mức lương thấp và khó khăn về thể chất.

Các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng việc tạo ra một môi trường mà nhân viên cao tuổi có thể duy trì sự năng động và mạnh mẽ trong thời gian dài sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của công ty.

Để nền kinh tế đất nước tiếp tục hoạt động hiệu quả trong bối cảnh tỷ lệ người cao tuổi ở mức cao, Nhật Bản cần khuyến khích sự tham gia của những người lao động cao tuổi. Để làm được điều đó, chính phủ và doanh nghiệp phải hợp tác chặt chẽ trong việc tạo ra một môi trường làm việc tốt hơn cho người cao tuổi.

Bài cuối: Vòng tuần hoàn lành mạnh

Nguyễn Tuyến - Phạm Tuân - Xuân Giao (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)
Tình trạng già hóa 'ông bố' ở Nhật Bản gia tăng cùng nguy cơ bị cô lập
Tình trạng già hóa 'ông bố' ở Nhật Bản gia tăng cùng nguy cơ bị cô lập

Theo tổ chức phi lợi nhuận Fathering Japan, số lượng đàn ông trở thành cha ở độ tuổi từ 40 trở lên đang ngày càng gia tăng ở Nhật Bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN