Đám cưới giữa hoàng tử William và bạn gái Kate Middleton diễn ra đúng vào dịp nước Anh có tới 5 ngày nghỉ lễ gần nhau, chưa kể cuối tuần, khiến nền kinh tế này có thể thiệt hại tới 30 tỷ bảng do người lao động tranh thủ nghỉ “liên thông”.
Đội kỵ binh đang tập dượt chuẩn bị cho "Đám cưới Hoàng gia". Ảnh: Vũ Hội. |
Lễ Phục sinh ở “đảo quốc sương mù” rơi vào ngày 25/4 (thứ Hai), nhưng trên thực tế kỳ nghỉ đã bắt đầu từ ngày 22/4 (thứ Sáu - thường được gọi là “ngày thứ Sáu tốt đẹp”), để tạo điều kiện cho người lao động có liền 4 ngày nghỉ liên tiếp.
Tương tự, “Đám cưới Hoàng gia” 29/4 (thứ Sáu) đã được quyết định là ngày quốc lễ nên mọi người dân Anh đều được nghỉ làm. Cộng thêm 2 ngày cuối tuần và ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (nghỉ bù vào thứ Hai, 2/5), tức là người dân có thêm 4 ngày nghỉ nữa.
Vì vậy, nhiều người đã tranh thủ nộp đơn xin nghỉ phép cho ba ngày 26, 27 và 28/4 để có thể nghỉ liền một mạch 11 ngày.
Theo điều tra của ngân hàng Lloyds, cứ 3 lao động ở Anh thì có 1 người xin nghỉ kiểu này, tức sẽ có hàng triệu người đồng loạt xin nghỉ phép.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp cảnh báo nền kinh tế Anh có thể bị ngưng trệ vì thiếu người làm và nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
Trên thực tế, theo thông báo chính thức ngày 27/4, GDP của Anh đã tăng trưởng 0% trong 6 tháng vừa qua.
Lời cảnh báo trên được đưa ra giữa lúc có báo cáo cho rằng Anh là “thủ đô nghỉ ốm” của thế giới, bởi mỗi lao động ở đây trung bình xin nghỉ làm đột xuất tới 10 ngày/năm.
Báo cáo của Pricewaterhouse Cooper cho biết, trong khu vực kinh tế quốc doanh, số ngày xin nghỉ làm đột xuất còn cao hơn: 12,2 ngày/người/năm.
Hãng dịch vụ kế toán RSM Tenon ước tính trong thời gian người lao động “nghỉ liên thông” này, kinh tế Anh có thể thiệt hại tới 30 tỷ bảng.
Vũ Hội (P/v TTXVN tại Luân Đôn)