Ông Ahmed Safar Al Asmari, người quản lý hai nhà máy nước Berain ở Riyadh nhận định: “Tại Saudi Arabia chỉ có hai nguồn nước: nước biển mặn và nước ngọt ở giếng sâu. Chúng ta ở khu vực trung tâm, vì vậy chỉ có giếng sâu ở đây”.
Tờ Guardian (Anh) cho biết chuyên gia về nước ngầm tại Đại học Quốc vương Faisal trong năm 2016 từng dự đoán rằng Saudi Arabia chỉ còn nguồn nước ngầm dự trữ đủ cho 13 năm tới.
Từ năm 2008, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) còn cảnh báo: “Nguồn nước ngầm của Saudi Arabia đang giảm rất nhanh. Hầu hết nước sinh hoạt khai thác từ tầng ngậm nước và có dự đoán rằng chúng sẽ cạn kiệt trong 25 năm tới”.
Tại một quốc gia hiếm khi có mưa, việc khai thác nguồn nước ngầm ngày càng khan hiếm có thể dẫn đến hậu quả. Nước ngầm chiếm tới 98% lượng nước ngọt tại Saudi Arabia.
Nhiều thập niên phát triển với hàng loạt công trình xây dựng mọc lên trên xa mạc và dân số tăng mạnh, nước tại Saudi Arabia phần nhiều được sử dụng cho nông nghiệp để cung cấp lương thực cho người dân.
Một thực tế đáng chú ý khác là lượng nước tiêu thụ bình quân đầu người của Saudi Arabia ở mức 263 lít/ngày - gấp đôi so với trung bình thế giới. Tình trạng này diễn ra ở thời điểm biến đổi khí hậu khiến nguồn nước ngày càng khan hiếm.
Trong tháng 3 vừa qua, Saudi Arabia đã phát động chương trình Qatrah đề nghị người dân giảm thiểu lượng nước tiêu thụ. Mục tiêu của Saudi Arabia là đến năm 2020 trung bình nước mỗi người sử dụng là 200 lít và đến năm 2030 là 150 lít.
Saudi Arabia đồng thời cố gắng cải tổ ngành nông nghiệp, giảm tiêu thụ nước trong canh tác. Kế hoạch cải tổ quốc gia của Saudi Arabia có tên Tầm nhìn 2020 nhằm thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế quốc gia này, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, còn có nội dung hạ khai thác nguồn nước ngầm trong nông nghiệp.
Ngoài ra, một giải pháp được đề xuất là khử mặn nước biển. Saudi Arabia hiện dẫn đầu thế giới trong việc khử mặn nước và sở hữu 31 nhà máy dành cho công việc này. Nước biển khử mặn hiện chiếm 50% nước sinh hoạt tại Saudi Arabia và 50% còn lại là nước ngầm.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc vương Abdelaziz ở Jeddah ước tính rằng nhu cầu nước khử mặn đã tăng 14% mỗi năm nhưng quy trình sản xuất lại vô cùng tốn kém. Ngoài ra, các nhà máy khử mặn còn gây hại tới môi trường, thải khí độc hại ra không khí, gây ảnh hưởng tới hệ thống thủy sinh học.