Các mặt hàng bị áp đặt hạn chế có các sản phẩm sắt thép, thiết bị và sản phẩm xây dựng, máy móc... Quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được giữ nguyên cho đến khi Israel tuyên bố ngừng bắn ngay lập tức và cho phép dòng viện trợ nhân đạo được cung cấp đầy đủ và không bị gián đoạn vào Gaza.
Các biện pháp mới được đưa ra một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Israel đã ngăn chặn nỗ lực của chính quyền Ankara thả hàng viện trợ cho Gaza. Phản ứng trước quyết định trên, Ngoại trưởng Israel, ông Israel Katz cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã "đơn phương vi phạm" các thỏa thuận thương mại song phương. Quan chức này đồng thời cảnh báo Israel sẽ áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại đối với các sản phẩm từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong diễn biến liên quan, cùng ngày 9/4, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho rằng cần gây áp lực và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Israel để mở cửa khẩu đưa hàng cứu trợ đến cho người Palestine ở Dải Gaza.
Pháp là một trong những nước đầu tiên đề xuất Liên minh châu Âu trừng phạt những người định cư Israel có các hành động bạo lực ở Bờ Tây.
Hơn 6 tháng trôi qua kể từ khi cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel bùng phát ngày 7/10/2023, người dân ở Dải Gaza vẫn hứng chịu những hậu quả thảm khốc. Trong khi đó, xung đột vẫn diễn ra căng thẳng và quân đội Israel đang chuẩn bị cho các hoạt động quân sự mới, trong đó có cả ở thành phố Rafah. Liên hợp quốc và các tổ chức viện trợ quốc tế khác đã bày tỏ đặc biệt quan ngại về mức độ tàn khốc của cuộc xung đột, cảnh báo những thiệt hại về người và tài sản tại dải đất ven biển Địa Trung Hải này đã "vượt mức thảm họa".