Nhật báo Haberturk đưa tin lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn 23 người di cư Afghanistan ngoài khơi quận Didim, tỉnh Aydin, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Những người này được cho là đang tìm cách vào Hy Lạp trên 2 chiếc tàu.
Biển Aegean từng là tuyến đường chính mà người di cư lựa chọn để vào châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyến đường này bị kiểm soát chặt chẽ từ ngày 26/3 vừa qua sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận kiểm soát dòng người nhập cư bất hợp pháp.
Theo thống kê của lực lượng bảo vệ bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ đầu năm nay, tổng cộng có 12.872 người di cư tìm cách tới Hy Lạp qua vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ, giảm so với con số 17.274 cùng kỳ năm 2019. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tiếp nhận hơn 3,7 triệu người tỵ nạn Syria và liên tục hối thúc các nước châu Âu chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ những người tị nạn này.
* Cũng trong ngày 27/7, lực lượng an ninh Malta đã cứu một nhóm 95 người tị nạn trên một chiếc xuồng cao su lênh đênh ở vùng biển ngoài khơi phía Bắc Libya và đưa những người này về một căn cứ quân sự gần thủ đô Valletta.
Chiến dịch cứu hộ được triển khai sau khi tổ chức tình nguyện Alarm Phone thông báo một chiếc xuồng cao su chở rất nhiều người di cư đang chìm dần, được phát hiện trong vùng tìm kiếm và cứu hộ do Malta phụ trách. Trước đó, hôm 17/7, một tàu tuần tra của Malta cũng đã cứu được một nhóm 63 người di cư và đưa vào bờ. Một trong số những người di cư này có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và cả nhóm đã được cách ly.
Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), tính từ đầu năm đến nay tổng cộng 6.518 người di cư bất hợp pháp đã được cứu và đưa trở về Libya. Trong số này có 462 phụ nữ và 340 trẻ em. Ngoài ra, tổng cộng 101 người thiệt mạng và 1 người mất tích trên hành trình vượt Địa Trung Hải tới châu Âu trong khoảng thời gian trên. Con số trên đã giảm so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm ghi nhận 9.225 người di cư bất hợp pháp được cứu và đưa trở về Libya trong khi 270 người khác được xác nhận thiệt mạng và 992 người vẫn mất tích.